Các tòa nhà có vai trò quan trọng đối với việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong tương lai
Theo Economy Watch, ngành xây dựng là một trong những ngành có quy mô lớn và tiêu thụ nhiều tài nguyên nhất trên thế giới (chiếm khoảng 50% nguyên vật liệu). Tiêu thụ năng lượng của ngành đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1971-2021 chủ yếu do tăng trưởng kinh tế và tăng dân số. Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA), ở rất nhiều các quốc gia các công trình tiêu thụ gần 40% tổng năng lượng toàn cầu và nhu cầu xây dựng sẽ tăng 30% cho đến năm 2035. Các công trình cũng đóng góp 35% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Vì vậy, ngành xây dựng nói chung và các công trình nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong tương lai. Các công trình hiệu quả năng lượng không chỉ có lợi cho chủ đầu tư, người sử dụng mà còn góp phần làm giảm biến đổi khí hậu thông qua việc cắt giảm phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng công nghệ các bon thấp và hiệu quả năng lượng.
Rất nhiều các quốc gia tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc, Châu Á vì vậy đã đặt ra mục tiêu cụ thể để phát triển các công trình cân bằng năng lượng và công trình cân bằng các bon. Lấy ví dụ, tòa nhà chung cư Elithis Tower Danube tại Pháp là tòa nhà năng lượng đặc biệt trên thế giới bởi hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời. Năng lượng ở đây được sản xuất từ 1.233 m2 tấm quang điện mặt trời, được phân bố bên ngoài các mặt tiền và trên mái của tòa nhà. Các tấm thu năng lượng mặt trời áp mái có thể sản xuất gần 82 kWg/m2/năm trong khi tòa nhà chỉ sử dụng 63 kWh/m2/năm. Nguồn năng lượng này được phân bổ đều cho các căn hộ và phần năng lượng dư sẽ được hòa vào lưới điện. Cũng bởi sử dụng năng lượng mặt trời hoàn toàn nên lượng phát thải khí CO2 của tòa nhà sẽ giảm xuống còn 5,9 kg CO2/m2/năm, tức là thấp hơn 15 lần so với các tòa nhà có cùng công năng khác . Quan trọng là, chi phí đầu tư xây dựng chỉ cao hơn rất ít so với chi phí đầu tư tòa nhà truyền thống với công năng sử dụng tương đương.
Tòa nhà chung cư Elithis Tower Danube sử dụng các tấm pin năng lượng ở mái và mặt đứng tòa nhà
Tại Việt Nam, dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình chung cư và tòa nhà cao tầng tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) và đồng tài trợ của các cơ quan/tổ chức và các doanh nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật cho 22 công trình cải tạo và công trình mới áp dụng các giải pháp hiệu quả năng lượng trong công trình. Đối với công trình mới, các hỗ trợ kỹ thuật bắt đầu từ giai đoạn thiết kế, thi công, giám sát, đo lường và thẩm định tiêu thụ năng lượng sau khi công trình vận hành. Đối với các công trình cải tạo, dự án thực hiện kiểm toán và đưa ra các khuyến nghị sử dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho chủ đầu tư. Theo tổng hợp từ dự án, mức tiết kiệm năng lượng của các công trình mới dự kiến đạt từ 25-67% so với công trình truyền thống và khoảng từ 21-37% so với công trình tuân thủ quy chuẩn. Chi phí đầu tư tăng từ 0-6% với thời gian hoàn vốn từ 0-6.5%. Trong khi đó, mức tiết kiệm năng lượng của các công trình hiện hữu đến 50% với thời gian hoàn vốn từ 1-7 năm.
Tuy nhiên, thị trường công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu phát triển. Bên cạnh việc hoàn thiện lộ trình phát triển công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam với sự phối hợp của các bộ ngành với lĩnh vực tư nhân, xây dựng cơ chế khuyến khích, việc phát triển và bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư và việc nâng cao nhận thức cho chủ đầu tư, các công ty xây dựng, các bên liên quan có vai trò quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Nguyễn Thị Hằng