Bất động sản xanh - xu hướng bền vững cho tương lai

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Bằng chứng là ngoài số lượng các dự án chủ động xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn xanh, số lượng các dự án đạt chứng chỉ tòa nhà xanh ngày càng tăng, đặc biệt số lượng mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau.


Bà Trần Thị Chinh, Giám đốc Phát triển Bền vững Tập đoàn JLL Việt Nam (Tập đoàn JLL chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp) nhân định, nhìn từ khía cạnh nhu cầu thị trường, dịch bệnh COVID-19, thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng đã thúc đẩy sự quan tâm về các yếu tố xanh từ người dùng cuối.

Theo một khảo sát định lượng gần đây nhất được thực hiện bởi JLL và đối tác, công viên xanh/môi trường sống xanh là yếu tố được quan tâm và cân nhắc hàng đầu bởi người mua nhà.

Để nắm bắt nhu cầu này, trong vòng ba năm trở lại đây, hầu hết các dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở đều đề cập yếu tố xanh như là một điểm thu hút người mua của dự án. Ví dụ các dự án của các chủ đầu tư nước ngoài như Vista Verde, Estella Heights và các dự án của đầu tư Việt Nam như Mizuki Park, Diamond Lotus Riverside.

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, đến cuối năm 2021, thị trường Việt Nam mới có 201 dự án bất động sản được công nhận chứng chỉ xanh, bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh (LEED) cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC), Chứng chỉ công nhận công trình xanh (EDGE) cấp bởi tổ chức IFC và Lotus cấp bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC).

Thạc sỹ Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam đã và đang ở giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế nhanh.

Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa hiện khoảng 40,5% kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.
Phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thực tế đã chứng minh loại hình công trình này mang lại hiệu quả nhiều mặt về môi trường, xã hội với những lợi ích kinh tế rõ rệt.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đưa nội dung thúc đẩy phát triển các loại hình công trình này vào các cam kết quốc tế, luật, chương trình phát triển…

Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trọng nước và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế thông qua đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Theo bà Trần Thị Chinh, hiện có một luồng tài chính xanh được Nhà nước khuyến khích và các ngân hàng thương mại cũng như định chế tài chính quốc tế tung ra với mục đích kích thích sự phát triển bất động sản xanh, đơn cử như Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC thuộc Ngân hàng Thế giới có những chương trình dành cho các chủ đầu tư muốn phát triển theo hướng này.

Tập đoàn này đã cho vay các chủ đầu tư như Nam Long, Phú Mỹ Hưng trong những năm vừa qua.


Điểm thuận lợi kế tiếp là khả năng bán hàng, cho thuê nhanh hơn so với một dự án không có yếu tố xanh trong cùng địa bàn, vì thị hiếu người dùng vẫn chuộng bất động sản xanh hơn.

Bên cạnh đó, thị trường nhà xưởng xây sẵn có bước dịch chuyển sang quy mô lớn hơn để đón bắt nhu cầu của khách thuê, nhất là những khách ngoại lựa chọn đặt nền móng hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhưng muốn tiết kiệm thời gian, chi phí và nhanh chóng đi vào hoạt động.

Do quỹ đất công nghiệp đang ngày càng hạn chế, nhà xưởng xây sẵn cao tầng đang được xem là giải pháp trong tương lai gần cho các nhà đầu tư giúp mở rộng không gian và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Tuy nhiên, những khó khăn lớn nhất mà hầu như chủ đầu tư nào cũng gặp phải là các tiêu chuẩn xanh toàn quốc chưa rõ ràng, cũng như Nhà nước chưa có những chính sách ưu đãi dành riêng bất động sản xanh, như là giảm thuế sử dụng đất hoặc các điều kiện ưu đãi tương tự.

Hơn nữa, nhận thức về bất động sản xanh thường đi kèm với chi phí đầu tư cao, trong khi đến khâu vận hành và bàn giao cho người sử dụng cuối cùng thì người sử dụng lại không thật sự hiểu hết và vận dụng hết các yếu tố xanh kia. Điều đó gây ra cảm giác lãng phí với một số chủ đầu tư đã làm xanh.

Bà Trần Thị Chinh cho rằng, các giải pháp trước mắt khắc phục khó khăn là phát triển cụ thể rõ ràng các tiêu chuẩn, chính sách và điều kiện nêu trên. Đồng thời, cho phép từng địa phương được phép phát triển các lợi thế xanh của riêng mình để hài hòa nhất cho từng địa phương đó. Cần có thêm các chương trình truyền thông và tương tác với người sử dụng cuối cùng để họ nắm rõ các yếu tố xanh và cách sử dụng hoặc tận dụng những yếu tố đó trong quá trình sử dụng.

Hiện Tập đoàn JLL là đơn vị tư vấn bất động sản đầu tiên tại Việt Nam mở rộng lĩnh vực hoạt động tư vấn bền vững qua việc thành lập một bộ phận "Energy & Sustainability Services" với nhân sự phụ trách làm việc tại thị trường Việt Nam.

Bộ phận này sẽ giúp các chủ đầu tư tất cả các lĩnh vực và khách hàng thuê đưa ra những quyết định liên quan đến bất động sản bền vững, như: Tiến hành phát triển dự án theo tiêu chuẩn chứng chỉ công trình xanh, thiết lập chiến lược phát triển bền vững, chiến lược giảm phát thải.

Bên cạnh đó, bộ phận này còn tư vấn các khách hàng phát triển kế hoạch quản lý và giảm thiểu rác thải sinh hoạt, theo dõi, giám sát và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà và khu công nghiệp.

JLL cũng phát triển và xây dựng những công nghệ giúp các khách hàng có thể theo dõi hiệu quả sử dụng lượng năng lượng, nước và rác thải và cùng khách hàng đưa ra những giải pháp tiết kiệm nhất có thể để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường,.../.

Hồng Đạt/TTXVN

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google