Trao chứng nhận Tòa nhà hiệu quả năng lượng cho Somerset Chancellor Court Ho Chi Minh City

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Ngày 25/11/2020 tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP)  và Tập đoàn Ascott tổ chức buổi lễ trao chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng cho tòa nhà Somerset Chancellor Court nhằm ghi nhận những kết quả đạt được từ việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của tòa nhà. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng chủ trì triển khai với sự hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) thông qua UNDP.

 
Buổi lễ trao chứng nhận có sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP), tập đoàn Ascott, cùng các đại diện đến từ cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, các công ty quản lý tòa nhà, các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng, công ty cung cấp thiết bị và giải pháp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
 
Ngành Xây dựng là một trong những ngành sử dụng nhiều năng lượng, chiếm 36% tổng lượng năng lượng sử dụng cuối cùng và gần 40% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới. Lượng phát thải khí CO2 của ngành xây dựng ở Việt Nam chưa phải là lớn nhất, nhưng được dự báo là tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng cao về diện tích sàn xây dựng, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa. Với tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25-67%, phát triển ngành xây dựng bền vững và phát thải thấp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam về Biến đổi khí hậu và nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
Với sự hỗ trợ của dự án EECB, tòa nhà Somerset Chancellor Court đã thực hiện kiểm toán năng lượng chi tiết và triển khai 03 giải pháp tiết kiệm năng lượng: (i) Thay thế các thiết bị chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí và máy lạnh cục bộ hiệu suất thấp và đã hết hạn sử dụng bằng các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao hơn; (ii) Nâng cấp hệ thống chiller giải nhiệt gió mới hiệu suất cao; và (iii) Tăng cường hệ thống quản lý năng lượng thông qua lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống đo lường và thẩm tra (M&V) tiêu thụ năng lượng cho hệ thống chiller để giám sát online các thông tin về tiêu thụ năng lượng của chiller và định kỳ đánh giá mức độ sử dụng hiệu quả năng lượng chung của toàn tòa nhà.
 
Việc triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đã giúp tòa nhà Somerset Chancellor Court đạt mức tiết kiệm năng lượng tiềm năng khoảng 711 MWh/năm, tức là khoảng 35%, tương đương với giảm phát thải khoảng 649 tCO2/năm. Về hiệu quả kinh tế, với tổng mức đầu tư 9,15 tỷ đồng cho toàn bộ giải pháp cải tạo thì mức tiền tiết kiệm hàng năm là 1,78 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn trung bình là 5,1 năm.
 
Phát biểu tại buổi lễ trao chứng nhận, Ông James Lim, Giám đốc khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của Tập đoàn Ascott khẳng định “Dự án EECB đã giúp chúng tôi tập trung vào việc tiết kiệm năng lượng và thực hiện tầm nhìn Xanh, hướng tới trở thành “tập đoàn lưu trú Xanh hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới”.
 
Quá trình triển khai việc xác định, phân tích và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng như kết quả đạt được ở Somerset Chancellor Court và 13 công trình trình diễn khác của dựa án EECB đã chứng minh tính khả thi về kỹ thuật và lợi ích về kinh tế và môi trường của nâng cao hiệu suất năng lượng trong công trình cải tạo. Phương pháp triển khai và các giải pháp sẽ có thể được nhân rộng và tiếp tục triển khai ở các công trình cải tạo khác tạo ra một xu hướng thay đổi nhận thức, hành vi, và cùng hành động hướng tới ngày càng gia tăng các công trình tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững ngành xây dựng của Việt Nam. 
 
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ Trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ xây dưng cho biết “Đảng, Chính phủ và Bộ xây dựng rất quan tâm tới hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua định hướng và các văn bản chỉ đạo từ Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật xây dựng sửa đổi 2020”. Ông đánh giá cao lỗ lực của các công trình xây dựng, của tập đoàn Ascott trong việc thực thi chính sách thông qua việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công trình,
 
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Môi trường và biến đổi khí hậu, UNDP cho rằng “Sử dụng hiệu quả năng lượng trong trong các tòa nhà và ngành xây dựng là giải pháp hữu hiệu giảm khí nhà kính, giảm biến đổi khí hậu, và giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để triển khai thành công các giải pháp hiệu quả năng lượng đòi hỏi nỗ lực và sự chung tay của chính phủ,  các doanh nghiệp, chủ đầu tư, đơn vị quản lý công trình, công ty dịch vụ năng lượng, công ty cung ứng giải pháp và thiết bị, các kiến trúc sư và những người sử dụng các tòa nhà, mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên và bảo vệ trái đất”.  
 
Dự án EECB được triển khai thực hiện từ 2016 đến 2021 với mục tiêu là cắt giảm cường độ phát thải các khí nhà kính từ ngành Xây dựng ở Việt Nam thông qua việc cải thiện việc sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng ở một số thành phố lớn. Dự án EECB do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, quản lý và triển khai với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) và đồng tài trợ của các cơ quan/tổ chức và các doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google