Chi phí xây dựng công trình xanh cao hơn công trình thường bao nhiêu?

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) - Nhận định sai về chi phí xây dựng công trình xanh hoặc chưa có thông tin chính xác về chi phí xây dựng công trình xanh đã trở thành một trong những rào cản khiến công trình xanh khó phát triển mạnh mẽ.


Công trình xanh được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Chi phí xây dựng cao hơn?

Công trình xanh tiết kiệm được 50% năng lượng tiêu thụ so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí mà còn giảm chi phí vận hành qua đó làm tăng giá trị tài sản, hoàn vốn đầu tư nhanh…. là một trong những lợi ích công trình xanh mạng lại.

Vào Việt Nam từ năm 2007 đến nay tròn 10 năm, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính Phủ và cả khu vực tư nhân nhưng theo thống kê, hiện số công trình xanh và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc mới dừng lại con số trên 60 công trình - một con số khá khiêm tốn.

Theo bà Nguyễn Thu Nhàn - Quản lý chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế, một trong những thách thức lớn nhất làm cản trở sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam là nhận thức về chi phí xây dựng công trình xanh, với định kiến chi phí xây dựng công trình xanh cao hơn 10-29% so với công trình xây dựng thông thường. Và đến nay, chúng ta chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho xây dựng xanh để khuyến khích đầu tư xây dựng công trình xanh phát triển.

Cũng theo bà Nhàn, chi phí xây dựng công trình xanh không cao hơn nhiều so với công trình xây dựng thông thường.

“Tập đoàn Tư vấn Xây dựng Davis Langdon khảo sát 83 công trình được chứng nhận xanh theo chuẩn LEED của Mỹ và 138 công trình không đăng ký chứng nhận xanh, kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa giá xây dựng công trình xanh và công trình không theo chuẩn xanh; còn Hội đồng doanh nghiệp vì Sự phát triển bền vững thế giới khi khảo sát tại 69 quốc gia về công trình xanh cho thấy con số 17%, khi khảo sát thực tế tại 146 công trình thì mức chi phí phụ trội ở công trình xanh chỉ cao hơn 2% tổng chi phí xây dựng của những công trình xây dựng thông thường. Ở Malaysia công trình xanh phụ trội so với công trình thường là 5% tổng đầu tư và thời gian hoàn vốn thường nhỏ hơn 5 năm” bà Nhàn dẫn chứng.

Cần tháo gỡ rào cản?

Bà Nhàn cho hay, hiện giá điện, nước ở Việt Nam còn rẻ là một trong những trở ngại với sự phát triển theo hướng bền vững của ngành Xây dựng. Điển hình là tại Philippines - nơi giá điện lên đến 5.100 đồng/kWh nên việc tiết kiệm điện là mối quan tâm hàng đầu của chủ đầu tư và người sử dụng. Còn ở quốc gia giá sản xuất năng lượng rẻ như Đan Mạch thì Chính phủ lại sử dụng biện pháp đánh thuế suất rất cao nhằm thúc đẩy Đan Mạch phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng sạch.

Theo khảo sát của Hội đồng Công trình Xanh tại Mỹ, các công trình xanh có giá bán cao hơn công trình khác 8%, thời gian bán hàng nhanh hơn gấp 4 lần, tỷ lệ lấp đầy cao hơn và giá bán lại cũng cao hơn. Khi vay vốn ngân hàng, chủ đầu tư công trình xanh còn được nhận lãi suất ưu đãi do sản phẩm này có mức độ rủi ro thấp hơn so với công trình khác.

Ở Singapore, Chính phủ bắt buộc công trình xây dựng mới trên 2.000m2 phải áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh; đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi phi tài chính như: Những công trình đạt chứng chỉ Green Mark có thể xây dựng trong các khu vực “nóng” của Singapore, hay được ưu đãi về số tầng, mật độ xây dựng, được ưu tiên về thủ tục cấp phép xây dựng….

Theo ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cạn kiệt năng lượng và tài nguyên, thải lượng lớn khí nhà kính… Và công trình xanh phát triển sẽ giúp hạn chế, khắc phục được những nhược điểm nêu trên.

Để phát triển công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình ở Việt Nam, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House đề xuất: Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm với các nội dung cụ thể từ tín dụng, quỹ đất và những ưu đãi khác… Về dài hạn cần thành lập Hội đồng nhà ở công trình xanh với sự tham gia của đại diện ngân hàng chính sách xã hội, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp….

Ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House cho rằng: Có những giải pháp công trình xanh không đội chi phí lên cao, thậm chí giúp chủ đầu tư giảm chi phí như giảm tỷ lệ kính/tường ở mức độ phù hợp sẽ tối đa hóa ánh sang ban ngày, giảm sự truyền nhiệt không mong muốn và giúp giảm tiêu thụ năng lượng; sử dụng các giải pháp như thông gió tự nhiên, cách nhiệt tường- mái, sử dụng năng lượng tái tạo, kính tản nhiệt Low-e hoặc kính Solar Control; sử dụng các kết cấu chắn nắng; sử dụng các giải pháp tiết kiệm nước và sử dụng gạch không nung khi xây dựng… Những giải pháp hữu hiệu trên sẽ giúp chi phí xây dựng công trình xanh không bị đẩy lên cao, thậm chí còn giúp chủ đầu tư giảm chi phí xây dựng.

Vũ Huyền

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google