Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – Góc nhìn từ thực tiễn

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Sau sáu năm triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kể từ năm 2011, có thể thấy tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của nước ta vẫn còn rất lớn. Cần sự nỗ lực và phối hợp của các cấp ngành để Luật này được triển khai rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa.Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – Góc nhìn từ thực tiễn

Hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công thương), giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của nước ta đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần: ngành thép giảm 8,09%, xi-măng giảm 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%.

Những kết quả đạt được của giai đoạn vừa qua tuy rất đáng ghi nhận nhưng chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng rất lớn, từ 25 đến 40%. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng ¼ so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó.

Về nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm còn gặp nhiều hạn chế, cần tăng cường kết hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc thanh kiểm tra. Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đồng đều, chưa đầy đủ, đôi khi còn hiểu sai lệch về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, dẫn đến hiệu quả tiết kiệm năng lượng không cao. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt nhiều. Thêm nữa các chính sách hỗ trợ về tài chính cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn ít, chưa đồng bộ.

Cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đang giảm dần (Ảnh minh họa, Nguồn: TTXVN)
Cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đang giảm dần (Ảnh minh họa, Nguồn: TTXVN)

Cần những giải pháp đồng bộ

Hiện nay việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế phát triển xanh bền vững.

Để làm được điều đó, trước tiên cần tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung thêm nội dung của Luật cũng như các văn bản dưới luật, điều chỉnh theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, tập trung trách nhiệm quản lý và giám sát của các bộ ngành liên quan, tăng cường công tác kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, trong Luật phải tăng tính bắt buộc thực hiện, có các chế tài xử phạt khi sử dụng năng lượng lãng phí cũng như biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

 
Tiêu chuẩn kĩ thuật, đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (Ảnh minh họa, Nguồn: GIZ Việt Nam)
Tiêu chuẩn kĩ thuật, đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (Ảnh minh họa, Nguồn: GIZ Việt Nam)

Song song với điều đó, các cơ quan quản lý cũng cần đề cập kĩ hơn các vấn đề tiêu chuẩn kĩ thuật, đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra các doanh nghiệp mong muốn có các giải pháp ưu đãi hỗ trợ phát triển dịch vụ kỹ thuật và tài chính, có cơ chế vay vốn linh hoạt, thủ tục đơn giản, dễ dàng cho thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Là một sáng kiến nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, Giải thưởng Quốc gia về Hiệu

quả Năng lượng trong Công nghiệp năm 2017 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ).

Đối tượng tham dự là doanh nghiệp tiêu thụ tương đương 2.000.000 kWh điện/năm và đã thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong 5 năm gần đây.

Thông tin thêm có tại http://vecea.vn/tin-tuc/t171/thu- moi-tham- du-giai- thuong-quoc- gia-ve- hieu-qua- nang-luong- trong-cong- nghiep-nam- 2017.html

A.D

Theo Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google