Ai Cập đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2020, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 20% tổng sản lượng điện quốc gia và sau đó là 42% vào năm 2035. Để biến năng lượng tái tạo thành nền tảng của chính sách năng lượng, Ai Cập đã dựa vào bí quyết của các tập đoàn năng lượng Pháp. Từ đầu tháng 10-2017, Paris và Cairo đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác năng lượng.
EDF tăng cường năng lực sản xuất ở Ai Cập
Hợp tác năng lượng giữa Pháp và Ai Cập bắt đầu từ vài năm trước nhưng gần đây đã bước sang một trang mới. Trong chuyến thăm Paris hồi cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng và đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện mặt trời.
Ai Cập là đất nước có nhiều ánh nắng mặt trời, một ưu thế để phát triển năng lượng tái tạo |
Vào ngày 26-10, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đã công bố khởi động quan hệ đối tác mới với Tập đoàn Elsewedy Electric của Ai Cập. EDF đã được chọn để xây dựng và vận hành hai nhà máy điện mặt trời ở miền Nam Ai Cập. Hai dự án này sẽ do EDF Énergies Nouvelles (EDF EN), chi nhánh năng lượng tái tạo của EDF thi công.
Nhiệm vụ của EDF Énergies Nouvelles và Elsewedy Electric là phát triển, xây dựng, vận hành và cùng tổ chức lắp đặt 100MW điện mặt trời trong hai cơ sở trên.
Hai nhà máy điện mặt trời này sẽ cho phép Chính phủ Ai Cập đa dạng hóa nguồn cung năng lượng đồng thời giúp nước này đảm bảo mục tiêu sản xuất điện hoàn toàn thân thiện với môi trường (không có khí thải nhà kính). Hai nhà máy điện này cùng thuộc sở hữu của Tập đoàn Elsewedy Electric Group, sẽ cho phép Ai Cập tăng cường độc lập về năng lượng, đặc biệt là nhờ hợp đồng bán điện trong thời hạn 25 năm cho Công ty Truyền tải điện quốc gia Ai Cập (EETC).
Từ nay đến quý I/2018, công trình xây dựng hai nhà máy trên sẽ được khởi công. Hai cơ sở này là chỉ một phần của tổ hợp năng lượng mặt trời Ben Ban, một dự án năng lượng tái tạo có công suất cực lớn, 1,8GW. Chính phủ Ai cập đang dựa vào dự án này để đạt mục tiêu 20% sản lượng điện tái tạo vào năm 2020.
Ngoài EDF, một số chuyên gia năng lượng khác của Pháp cũng chính thức ký kết hợp đồng đối tác với Ai Cập. Voltalia đã thông báo rằng, họ đã giành được hợp đồng xây dựng một nhà máy điện năng lượng mặt trời 25MW tại khu vực Aswan (Thượng Ai Cập). Voltalia tiết lộ rằng, các tấm thu năng lượng mặt trời ở nhà máy này sẽ được lắp đặt sao cho có thể xoay theo hướng mặt trời trong suốt cả ngày. Mục tiêu là để tăng năng suất của nhà máy điện bằng cách tăng thời gian tiếp xúc của các tấm pin với ánh nắng mặt trời.
Nhà máy điện tái tạo này, tên là Râ Solar, cũng là một phần của dự án năng lượng mặt trời Ben Ban và cũng đã được EETC ký hợp đồng mua điện trong thời hạn 25 năm. Việc xây dựng nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2018 và sẽ được khai thác vào quý II/2019.
Engie cùng đối tác Ai Cập xây dựng trang trại điện gió
Engie là công ty năng lượng thứ ba và cuối cùng của Pháp công bố việc ký kết hợp đồng hợp tác với Ai Cập. Công ty chuyên về năng lượng này của Pháp cùng với công ty Nhật Bản (Toyota Tsusho Corporation/Eurus Energy) và đối tác của Ai Cập (Orascom Construction) đã được lựa chọn để xây dựng và vận hành một trang trại điện gió lớn ở vịnh Suez. Tổng công suất của cơ sở này dự kiến sẽ là 250MW.
“Trang trại điện gió sẽ được đặt tại Rhas Gharib trong Vịnh Suez, một địa điểm lý tưởng về mức độ và cường độ gió. Mặc dù chưa được khởi công xây dựng như Công ty Truyền tải điện Ai Cập đã ký ngay hợp đồng bao tiêu điện trong vòng 20 năm đối với cơ sở điện gió trên”, các quan chức của Engie cho biết.
Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 400 triệu USD. Việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu trong những tuần tới và kéo dài trong khoảng 23 tháng. Đây sẽ là trang trại điện gió đầu tiên của Ai Cập dưới hình thức hợp đồng vận hành - sở hữu - khai thác.
S.Phương
20 - 12 - 2017
15 - 12 - 2017
15 - 12 - 2017