Ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà còn gặp khó khăn

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) - Ngày 13/12 tại Hà Nội, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo Quản lý, vận hành và ứng dụng thiết bị công nghệ trong công trình xây dựng.


Toàn cảnh Hội thảo.

Bà Lê Thị Thúy Hương - chuyên gia Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh cho biết: Ngành Xây dựng sử dụng năng lượng nhiều nhất, nếu tính tất cả các giai đoạn trong vòng đời của công trình xây dựng từ thiết kế, xây dựng, vận hành đến kết thúc vòng đời công trình đều sử dụng năng lượng. Trong đó, đối với giai đoạn vận hành, việc sử dụng năng lượng diễn ra ở hệ thống thiết bị, máy móc, hệ thống dịch vụ trong công trình đó…

Hiện nay, ở Việt Nam, sử dụng năng lượng tiết kiệm trong tòa nhà nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước. Nhiều luật, văn bản pháp luật liên quan đến phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được Quốc hội, Chính phủ cũng như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050…

Nhiều Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến chính sách về tiết kiệm năng lượng cũng được ban hành, như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả QCVN 09:2013/BXD. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội trong và ngoài nước trong việc triển khai áp dụng QCVN 09:2013/BXD cũng như trong các chương trình thức đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng…

Theo bà Hương, việc áp dụng quy chuẩn là bước quan trọng thúc đẩy mục tiêu năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế, thi công công trình xây dựng. Việc tuân thủ quy chuẩn trong thiết kế và vận hành các công trình sẽ góp phần tiết kiệm tổng năng lượng tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Áp dụng quy chuẩn đồng thời giúp chủ sở hữu, người quản lý công trình tiết kiệm năng lượng thông qua thiết kế vỏ bọc công trình, chiếu sáng, thông gió, điều hòa không khí… Tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng không chỉ giúp giảm thiểu chi phí vận hành mà còn giảm thiểu phát thải nhà kính, giúp cải thiện môi trường, bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, việc ứng dụng các thiết bị máy móc, công nghệ mới trong tòa nhà ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Về mặt chính sách, các cơ quan chức năng thiếu hướng dẫn, quy định, minh họa cụ thể nhằm thực hiện công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh. Việc thực hiện nội dung tiết kiệm năng lượng ở giai đoạn thiết kế còn rất hạn chế. Đặc biệt, thiếu lộ trình để các tòa nhà thực hiện, nâng cấp, áp dụng các công nghệ mới nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra tại quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD.

Đối với chủ đầu tư các công trình, nhận thức của nhiều đơn vị quản lý tòa nhà còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận, áp dụng công nghệ mới, các giải pháp tiết kiệm và công trình xanh. Nhiều ban quản lý tòa nhà chưa quan tâm tới tiết kiệm năng lượng hoặc công trình xanh do thời gian hoàn vốn dài hơn so với thông thường.

Bên cạnh đó, những khó khăn về tài chính, thiếu thông tin, thiếu năng lực kỹ thuật trong thiết kế, giám sát, vận hành và quản lý các tòa nhà tiết kiệm năng lượng… cũng là những yếu tố gây trở ngại cho việc ứng dụng thiết bị máy móc, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, công trình xanh.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải Quân, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu các công nghệ mới góp phần tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà như: Tiết kiệm năng lượng ở hệ thống vỏ bọc công trình (kết cấu tường và mái công trình, kính công trình), các hệ thống điều hòa không khí (công nghệ làm mát/sưởi ấm), chiếu sáng, cung cấp nước nóng, phát điện từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), hệ thống quản lý năng lượng (gồm máy chủ, thiết bị đo đếm, thiết bị điều khiển tích hợp, thiết bị thu thập và truyền dữ liệu…).

Đặc biệt, theo ông Quân, nếu áp dụng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu thì 1 tòa nhà có thể tiết kiệm được 6% năng lượng tiêu thụ. Trong khi đó, nếu áp dụng công nghệ sẵn có tốt nhất hiện nay cho 1 tòa nhà, sẽ tiết kiệm được tối đa 2/3 năng lượng tiêu thụ. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung vì lĩnh vực tòa nhà tiêu thụ tới 1/3 năng lượng toàn cầu, trong bối cảnh nguồn tài nguyên năng lượng ngày càng cạn kiệt.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi nhiều nội dung liên quan đến quản lý, vận hành và ứng dụng thiết bị công nghệ trong công trình xây dựng, tòa nhà như: Các giải pháp thông minh cho không gian làm việc trong tòa nhà; ứng dụng điện mặt trời trong các công trình xây dựng; đầu tư các giải pháp chuyển đổi thiết bị, công nghệ mới thông qua mô hình ESCO…

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham dự hội thảo đã tham quan thực tế để tìm hiểu về các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng tại công trình tòa nhà EVN Tower.

Đình Hà – Quý Anh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google