Sử dụng năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí là cơ hội đánh thức tiềm năng, tiến tới phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Hiệu quả sử dụng năng lượng - tiềm năng cần khai thác
Hiện nay, trong sản xuất công nghiệp ở nước ta, tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn và hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp. Theo Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam, trong khâu sản xuất năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%).
Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả càng trầm trọng. Để sản xuất ra cùng một sản phẩm, ngành công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, các ngành công nghiệp hiện đang sử dụng đến 47% tổng năng lượng.
Tiêu thụ năng lượng theo ngành năm 2015, Nguồn: Thống kê Năng lượng Việt Nam năm 2015
Việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả và lãng phí chính là tiềm năng tiết kiệm năng lượng cần được quan tâm, khai thác hiện nay. Theo nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, phát điện than là 25%, ngành dệt/may mặc là 30%, công nghiệp thép là 20%, chế biến thực phẩm là 20%...
Việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các ngành công nghiệp tiêu thụ 47% tổng sản lượng năng lượng, Nguồn: GIZ Việt Nam
Đánh thức tiềm năng
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn liền với mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Vì vậy cần sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của cả Chính phủ và các doanh nghiệp, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn”.
Về phía Chính phủ cần giám sát chặt chẽ việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp. Bước đầu khuyến khích sau đó bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành sử dụng nhiều năng lượng. Đồng thời, có cơ chế vay vốn linh hoạt, đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới máy móc, cải tiến công nghệ bởi vấn đề cốt lõi của tiết kiệm năng lượng là lựa chọn công nghệ, máy móc và hệ thống truyền tải.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ngành ximang lên đến 50%, Nguồn: Internet
Các doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị bởi trên thực tế, lợi ích của việc quản lý năng lượng luôn cao hơn so với chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được từ tiết kiệm có thể bù đắp cho chi phí đầu tư chỉ trong một thời gian không lâu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ về chính sách, nguồn tài chính cùng với chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài.
Có thể lấy sáng kiến về Mạng lưới Hiệu quả năng lượng Việt Nam (EEN) do Bộ Công Thương và GIZ bảo trợ làm ví dụ thông qua việc kết nối 8 công ty thuộc các lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn như dệt may, giấy, vận tải, chế biến cao su và nhựa.
Ông Nguyễn Hải Dũng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững, cho biết mục đích của Mạng lưới nhằm “…tăng cường chia sẻ các thực hành tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, thông qua xây dựng một đầu mối, một hub, để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ tiết kiện năng lượng”.
Theo dõi các chỉ số sử dụng năng lượng tránh tiêu hao lãng phí, Nguồn: GIZ Việt Nam
Theo kết quả được thực hiện từ 8 báo cáo kiểm toán của 8 công ty thành viên thì tiềm năng tiết kiệm toàn mạng lưới EEN hiện nay khoảng 3 triệu kWh điện (tương đương 5,89 tỷ đồng/năm) với vốn đầu tư rất ít hoặc không cần đầu tư.
Ông Hoàng Đăng Phái, Cán bộ quản lí năng lượng của xí nghiệp Casuminan Bình Dương cho biết: “Mỗi lần làm kiểm toán, phía tư vấn đều cho mình một số biện pháp giúp đơn vị tiết kiện năng lượng và mỗi một năm thì hiệu quả năng lượng mang lại rất là lớn. Đơn vị suất tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm đã giảm xuống rất nhiều. Cũng phải được khoảng tầm gần 40%. Trước kia thì tốn suất tiêu hao là 0.24kWh trên một kg đơn vị sản phẩm, hiện giờ chỉ còn 0.18 kWh”.
Lệ Thanh (Vietnamnet)