(Xây dựng) - Đây là vấn đề được đề cập tại Hội nghị Phổ biến Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam, do Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức, tại Hà Nội, ngày 22/6.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng cho biết: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam được triển khai từ tháng 6/2016. Sau hơn 2 năm triển khai với sự tham gia tích cực của các chuyên gia Hàn Quốc, Việt Nam, sự phối hợp của các bên liên quan như: Viện Nghiên cứu Định cư và phát triển Hàn Quốc (KRIHS), Ban Quản lý dự án (QLDA) Bộ Xây dựng, Ban QLDA Thái Nguyên, Ban QLDA Kiên Giang, dự án đã hoàn thành 4 nhiệm vụ chính.
Tháng 3/2018, Bộ Xây dựng và KOICA đã tổ chức Hội thảo cuối kỳ báo cáo toàn bộ kết quả nghiên cứu của dự án. Với Hội nghị này, Bộ Xây dựng và KOICA mong muốn phổ biến hệ thống GDSS rộng rãi đến các địa phương, hướng tới tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị và xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch, phát triển đô thị trên toàn quốc.Đó là xây dựng bộ chỉ số đô thị xanh; thiết lập hệ thống hỗ trợ ra quyết định quy hoạch đô thị đô thị xanh Việt Nam (GDSS); lập phương án quy hoạch thí điểm tại KĐT Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên), TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang); xây dựng khung pháp lý về quy hoạch đô thị xanh.
Nhấn mạnh kết quả mà dự án hướng đến là phát triển bền vững, nâng cao vị thế quốc tế của đô thị xanh và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường năng lực quy hoạch đô thị xanh và nâng cao chất lượng đời sống và năng lực cạnh tranh của đô thị… Phó Giám đốc KOICA Cho Han Kyul Sam cũng rất mong hệ thống GDSS tiếp tục phổ biến nhân rộng tại các địa phương ở Việt Nam.
GDSS sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu, hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị tư vấn, nhà nghiên cứu trong công tác lập, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị trong.
Giới thiệu về hệ thống GDSS, ông Lee Dong Youn (đại diện của JUNGDO IT, đối tác tham gia dự án) cho biết, GDSS có các chức năng: Nghiên cứu hiện trạng khu vực; tính toán chỉ tiêu và chỉ số đô thị xanh; dự báo nhu cầu sử dụng đất; tính toán lượng phát thải khí nhà kính tại khu vực nghiên cứu; giám sát đô thị xanh.
Hệ thống GDSS gồm 6 bước. Bước 1, lập kịch bản. Bước 2, căn cứ bộ chỉ số đô thị xanh gồm 17 chỉ tiêu thuộc 4 chỉ số, là chỉ số đô thị xanh (chỉ số tổng hợp) và 3 chỉ số lĩnh vực (chỉ số môi trường xanh, chỉ số kinh tế xanh, chỉ số xã hội xanh), hệ thống GDSS sẽ lựa chọn chỉ tiêu đô thị xanh phù hợp với đặc trưng của địa phương, để đạt được mục tiêu quy hoạch đô thị xanh.
Bước 3, xây dựng mô hình đô thị xanh. Bước 4, phân tích, đánh giá mô hình. Bước 5, đề xuất phương án quy hoạch đô thị xanh. Bước 6, giám sát việc triển khai quy hoạch đô thị xanh.
Đề cập đến cách thức nâng cao GDSS, phát triển bền vững trên nền tảng GDSS, ông Lee Dong Youn cho rằng: Cần xây dựng bổ sung dữ liệu đầu vào để tăng cường tính chuẩn xác cho đô thị xanh; Nhân rộng hệ thống GDSS trên toàn quốc nhằm kiểm chứng mức độ hiệu quả của chỉ tiêu và chỉ số đô thị xanh; Trang bị hạ tầng để phục vụ công tác quy hoạch đô thị xanh đi vào ổn định, trong đó bao gồm đào tạo nhân lực, nghiên cứu hỗ trợ chính sách…
Còn theo ông Moon Jeong Ho (đại diện KRIHS), ứng dụng hệ thống GDSS giúp giảm phát thải khí nhà kính; hỗ trợ việc lập kế hoạch carbon thấp, hỗ trợ quyết định dựa trên GIS và bộ chỉ số đô thị xanh; hỗ trợ kế hoạch tổng thể tập trung vào đô thị xanh.
Trong khi đó, một phần của nền tảng đô thị thông minh là quy hoạch sử dụng đất xanh và giám sát kế hoạch. GDSS đồng thời giúp đô thị tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và phòng chống thiên tai. Do vậy, GDSS có tiềm năng lớn trở thành một bước đệm cho đô thị xanh thông minh hơn.
Ông Moon Jeong Ho cho rằng, theo xu thế tất yếu của thế giới, phát triển đô thị xanh thôi chưa đủ, mà phải là xanh thông minh. Do vậy, cần có phương hướng làm cho GDSS xanh hơn và thông minh hơn.
Hòa Bình