Kính tiết kiệm năng lượng VIGLACERA: Giải pháp tối ưu cho công trình hiệu quả năng lượng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) - Ngày 25/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khai mạc Tuần lễ công trình hiệu quả năng lượng Việt Nam (HQNL) 2018 được tổ chức bởi Mạng lưới HQNL Việt Nam (EEN-Vietnam) phối hợp cùng Viện Goethe Hà Nội. Tuần lễ hướng đến mục tiêu thúc đẩy năng lượng bền vững trong lĩnh vực công trình xây dựng tại Việt Nam trong cả vòng đời công trình.


Ông Dương Phi Long - Giám đốc sản xuất nhà máy kính kiệm năng lượng VIGLACERA đề xuất giải pháp hiệu quả năng lượng cho các công trình sử dụng kính.

Tuần lễ diễn ra từ ngày 25/8 - 01/9 với 3 mục đích chính: Trình diễn những công trình HQNL/bền vững, giải pháp/công nghệ/nghiên cứu đổi mới sáng tạo tiêu biểu nhất hiện nay tại Việt Nam, nâng cao nhận thức về lợi ích và bản chất của môi trường xây dựng bền vững thông qua trình diễn mô hình và trình bày sinh động, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác từ những chuyên gia, tổ chức đi đầu trong lĩnh vực trong và ngoài nước. Tuần lễ còn diễn ra nhiều hoạt động sự kiện như trình diễn, trưng bày mô hình các dự án tiêu biểu, tọa đàm trao đổi về công trình và bền vững, thảo luận phim và khởi động Chương trình thực tập sinh kỹ sư năng lượng Future Engineers.

Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, đã tiến hành Chiến lược Phát triển Xanh Quốc gia, đưa ra các kế hoạch hành động nhằm giảm lượng khí thải nhà kính 8 - 10% (trong giai đoạn 2011 - 2020) so với năm 2010, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trên 1 đơn vị GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Đô thị hóa một cách bền vững là một trong những giải pháp từ chiến lược quốc gia khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong ngành Xây dựng gia tăng đáng kể với sự tăng trưởng của tỷ lệ đô thị chiếm 35,7% trong năm 2015 và dự đoán tăng thêm 6,01% vào năm 2020.


Trường quốc tế Tây Úc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của VIGLACERA.

Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là công trình cần được thiết kế - xây dựng - vận hành như thế nào để đảm bảo tối ưu hóa tiện nghi cho người sử dụng trong khi tối thiểu tiêu dùng năng lượng, tài nguyên, giảm tác động đến môi trường. Điều này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên ngay từ giai đoạn ban đầu trong quá trình hình thành đến khi kết thúc các dự án xây dựng. Trên cơ sở đó, đòi hỏi nhu cầu phát triển hợp tác nhằm đóng góp chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm từ thiết kế, kỹ thuật, mô phỏng, vật liệu, giải pháp, công nghệ đến kỹ thuật tư vấn… nhằm mang lại giá trị cao nhất cho hiệu quả sử dụng vận hành năng lượng trong các công trình ở điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam.

Với các nội dung tham luận: “Vai trò của kiến trúc trong quy trình thiết kế tích hợp hướng tới công trình bền vững ” (Cựu học viên EEN - Chương trình Kiến trúc bền vững giữa Việt Nam và CHLB Đức), “Kinh nghiệm triển khai công trình ngôi nhà Đức tại Việt Nam” (ông Mr.Nikolaus - Giám đốc GMP International GmbH), “Dự án Thử nghiệm công trình xanh với nghiên cứu và giáo dục từ Nhật Bản” (ông Jun Nakajima cố vấn Hiệu trưởng - Đại học Việt Nhật, Đại học Ritsumeikan), “Quan điểm về công trình hiệu quả năng lượng theo góc nhìn vận hành quản lý” (ông Trần Quý Năng - Quản lý kỹ thuật Tập đoàn Green One UN House)… các diễn giả đã trao đổi kinh nghiệm xây dựng công trình hiệu quả năng lượng.


Dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng của VIGLACERA.

Đặc biệt, đóng góp một phần quan trọng tại Hội thảo, Cty Kính nổi VIGLACERA đã đưa ra giải pháp hiệu quả năng lượng cho các công trình sử dụng kính do ông Dương Phi Long - Giám đốc Sản xuất Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng VIGLACERA tham luận.

Một trong những giải pháp hàng đầu để có một công trình đạt được hiều quả về năng lượng được các chuyên gia đưa ra là chủ đầu tư phải chọn lựa ngay từ việc sử dụng vật liệu xây dựng. Và trong đó, kính là sản phẩm tiêu biểu bởi tính khả dụng và phổ thông của nó, khi hầu hết các công trình, cao ốc, chung cư đều sử dụng vật liệu này.

Đối với hầu hết các công trình, chất liệu mặt dựng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tiêu hao năng lượng của tòa nhà, đặc biệt tại các tòa có mặt dựng làm bằng kính. Do vậy, việc cải thiện công năng của kính sử dụng cho các mặt dựng, cửa sổ hoặc thay thế tường bao che đã được ngành Xây dựng thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển trong vài thập kỷ trở lại đây, trong đó công nghệ phủ màng mỏng trên kính đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, việc sử dụng kính phủ lần đầu tiên được ứng dụng tại dự án sản xuất kính tiết kiệm năng lượng của VIGLACERA vào năm 2016. Dự án có quy mô 2.300.000m2/năm với thiết bị và công nghệ đồng bộ được nhập hoàn toàn từ hãng Von Ardenne (CHLB Đức) và là Dự án ứng dụng Công nghệ cao được Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận theo Quyết định số 2456/QĐ-BKHCN ngày 22/9/2015. Sản phẩm sản xuất từ dự án này đã được viện nghiên cứu IFT Rosenheim kiểm tra và chứng nhận đạt tiêu chuẩn DIN EN 1096: 2012.

Nhằm đề xuất giải pháp hiệu quả năng lượng cho các công trình sử dụng kính, tại Hội thảo, ông Dương Phi Long - Giám đốc Sản xuất Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng VIGLACERA đã thuyết trình giới thiệu chi tiết các tính năng, thông số ưu việt của các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng VIGLACERA. Sản phẩm này giúp tiết kiệm 51% điện năng, ngăn đến 99% tia tử ngoại và cản đến 79% nhiệt lượng mặt trời.

Bài giới thiệu của ông Dương Phi Long đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao từ các kiến trúc sư, các chuyên gia, tổ chức đầu ngành. Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với những câu hỏi về chất lượng, tiêu chuẩn vật liệu kính cũng như hiệu quả điện năng trong công trình xây dựng.

Với vai trò DN hàng đầu và tiên phong trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam, VIGLACERA luôn chủ động trong công tác nghiên cứu sản xuất những sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, góp phần nâng cao giá trị các công trình xây dựng, đồng thời hưởng ứng mạnh mẽ các chương trình bảo vệ môi trường, lấy tiêu chí tiết kiệm điện năng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là định hướng sản phẩm của VIGLACERA trong định hướng phát triển.

Phong Thư

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google