Chiều ngày 12/3/2019 tại nhà máy Sơn Hà - KCN Thuận Thành II, Bắc Ninh, đã diễn ra hoạt động tham quan và chia sẻ kinh nghiệm "Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất" và tọa đàm "Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai". Đây là hoạt động hưởng ứng nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019.
Cuộc hội thảo với sự tham gia của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương; TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm phát triển Năng lượng tái tạo; Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà, Đại sứ Giờ Trái Đất 2019 - đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam; và kiến giải cơ bản về một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và thân thiện với môi trường, giúp nguồn cung điện bớt phụ thuộc vào các nguồn truyền thống.
Tọa đàm "Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai" tại nhà máy Sơn Hà - KCN Thuận Thành II, Bắc Ninh. |
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Năng lượng tái tạo cho biết, sức ép từ việc cạn kiệt các nguồn nguyên liệu hóa thạch như than, dầu,... đã mở ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông nhận định, nguồn năng lượng tái tạo có đặc điểm quan trọng là không phụ thuộc vào dao động của giá, và nó là nguồn cung ứng vô tận, khác với dạng năng lượng hóa thạch có thể được khai thác hết trong vài chục đến vài trăm năm tới.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vào tháng 6-2017, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000MW, điện mặt trời khoảng 340.000MW.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hành động tiết kiệm năng lượng tại các khu công nghiệp trong việc kêu gọi tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc. Ông cho biết, năng lượng điện tiêu thụ trong khu công nghiệp sản xuất chiếm tỉ trọng rất cao trong bức tranh tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, ông Vũ cũng chia sẻ rằng: "Tiềm năng kĩ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 – 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%".
"Nếu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp thực hiện tốt giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì sẽ đóng góp rất lớn cho việc tiết kiệm năng lượng quốc gia, giảm cường độ năng lượng để tạo ra một đơn vị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam" - Ông Vũ cho biết.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, Đại sứ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, đã được áp dụng trong hệ thống của Sơn Hà.
"Chúng tôi đã áp dụng các phương pháp để giảm tiêu hao năng lượng điện của các nhà máy. Ban đầu máy móc công suất rất lớn, thiết bị sử dụng điện rất nhiều. Chúng tôi đã thay các động cơ hiện đại hơn nhưng tiêu tốn điện năng ít hơn và thay thế thiết bị sử dụng điện nhiều. Riêng với Nhà máy Sơn Hà tại Bắc Ninh, ban đầu chi phí điện khoảng gần 500 triệu đồng/tháng, đến nay chỉ còn khoảng hơn 300 triệu đồng/tháng. Chi phí giảm thiểu khoảng 30%" - Ông Sơn cho biết.
Như vậy, tập đoàn Sơn Hà không chỉ là đơn vị sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo (như sản phẩm khí đốt từ chất thải Biogas, thiết bị nước nóng Thái Dương Năng), mà còn là đơn vị có vai trò lớn trong việc tuyên truyền tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp.
Nhờ việc thay thế máy móc hiện đại hơn, Sơn Hà đã giảm số tiền điện từ khoảng 500 triệu/tháng xuống còn khoảng 300 triệu/tháng. |
Đồng tình với hành động đó, ông Vũ nhấn mạnh thêm rằng muốn trở thành nền kinh tế xanh, bền vững, phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp. Cần nhận thức rõ làm cách nào xây dựng hình ảnh của mình là 1 doanh nghiệp xanh để hội nhập, để sản phẩm được chấp nhận ở các thị trường khó tính trên toàn cầu. Khi phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ cũng nhấn mạnh một lần nữa mức độ đáng báo động của cường độ năng lượng tại Việt Nam so với thế giới, qua đó nêu ra những yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới cường độ năng lượng để có cái nhìn toàn cảnh.
"Nền kinh tế của Việt Nam đứng thứ 47 nhưng phát thải nhà kính lại đứng thứ 27 trên thế giới. Thống kê năng lượng nhiều năm cho thấy cường độ năng lượng tại Việt Nam ở mức rất cao, cao hơn cả Trung Quốc, cao hơn 30% so với Thái Lan và 60% so với malaisia". Ông Vũ phân tích thêm rằng có 3 yếu tố ảnh hưởng tới cường độ năng lượng của một quốc gia.
Thứ nhất là cơ cấu kinh tế vĩ mô, mỗi ngành nghề có 1 cường độ năng lượng khác nhau, trong đó, ngành công nghiệp nặng thì cường độ năng lượng cao hơn.
Thứ hai là yếu tố công nghệ, quốc gia áp dụng công nghệ tiên tiến thì sẽ giảm được cường độ năng lượng vì sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Thứ ba là ý thức và hành vi sử dụng năng lượng của mỗi người dân trong doanh nghiệp và cộng đồng.
Đây chính là 3 yếu tố quyết định một nền kinh tế trở thành nền kinh tế xanh, phát triển bền vững hay trở thành nền kinh tế kém phát triển, ô nhiễm.
HƯƠNG THƠM (http://www.moitruongvadothi.vn)
15 - 03 - 2019
01 - 11 - 2018