(Xây dựng) – Trong năm 2018, những xu hướng mới trong công nghệ xây dựng xanh đã thúc đẩy cuộc cách mạng bền vững trong lĩnh vực kiến trúc trên thế giới. Các công cụ phân tích về năng lượng được sử dụng trong mọi giai đoạn trong quá trình xây dựng từ thiết kế tổng quát đến việc theo dõi và sử dụng dữ liệu thiết kế trong suốt toàn bộ vòng đời của công trình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Xu hướng quan trọng nhất là việc sẵn có của các công cụ phân tích sớm áp dụng cho các Mô hình thông tin xây dựng (BIM) để phân tích hiệu suất tòa nhà.
Những phân tích về việc sử dụng nguồn năng lượng tiềm năng và ánh sáng ban ngày rất quan trọng đối với công trình xanh ở mọi giai đoạn trong quá trình thiết kế. Bởi, việc cung cấp ánh sáng tự nhiên cho càng nhiều tòa nhà càng giúp giảm việc sử dụng điện để chiếu sáng, ngoại trừ khi thời tiết quá nóng.
Một xu hướng mới khác trong thiết kế các công trình xây dựng xanh đó là thiết kế sáng tạo hay còn được gọi là BIM 2.0. Với phần mềm thiết kế tổng quát, các kiến trúc sư, kỹ sư có thể nhập các mục tiêu thiết kế cùng với các tham số như vật liệu, phương pháp sản xuất và các ràng buộc về chi phí. Phần mềm có thể tạo ra một loạt các thiết kế và đưa ra các giải pháp tối ưu về kính và cửa sổ dựa trên các thông số hiệu suất năng lượng định sẵn.
Công cụ này được dự đoán sẽ ngày càng tự động hóa thành quy trình thiết kế của các kiến trúc sư, kỹ sư. Trong quá trình thiết kế, các kiến trúc sư sẽ có một bảng điều khiển, khi đưa ra bất cứ quyết định nào bảng điều khiển sẽ thể hiện hiệu suất năng lượng tương ứng. Vì vậy, các kiến trúc sư sẽ không cần chạy phân tích nhiều lần mà thay vào đó nhận được phản hồi trực tiếp khi thiết kế. Phần mềm thiết kế sáng tạo đã được sử dụng để thiết kế các bộ phận máy móc và nhiều phần của tòa nhà.
Một công cụ khác cũng được đánh giá cao trong thiết kế công trình xanh đó là hệ thống quản lý tòa nhà (BMS). Những cảm biến có thể đo được các yếu tố như chất lượng không khí, nhiệt độ. Trước đây, chủ sở hữu tòa nhà hiếm khi chia sẻ dữ liệu BMS với các kiến trúc sư, tuy nhiên, một xu hướng mới nổi đang thay đổi điều đó bằng cách buộc các hệ thống tự động hóa của tòa nhà kết nối với các công cụ BIM.
Điều này cho phép các chuyên gia kiến trúc và xây dựng nắm được hiệu suất thực tế của tòa nhà cũng như xem xét hiệu suất tiềm năng trong suốt quá trình lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý. Điều này có thể cho phép tòa nhà tự động bật hệ thống thông gió để ngăn chặn sự tích tụ khí CO2. Những thông tin này được cung cấp cho các kiến trúc sư giúp họ hiểu những gì người dùng thực sự mong muốn đối với các không gian, đồng thời truyền cảm hứng cho các chiến lược thiết kế tiếp theo.
Tại Việt Nam, BIM đã được đưa vào sử dụng từ những năm 2010, tuy nhiên vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Chi phí áp dụng BIM đang tăng lên, ở nước ta việc áp dụng BIM cho các công trình còn hạn chế, để đồng bộ được đòi hỏi phải mất khoảng thời gian dài.
Bên cạnh đó, vấn đề tìm kiếm, đào tạo nhân viên thành thạo và giỏi về BIM cũng không dễ dàng. Đối với BMS, bởi tâm lý tiết kiệm chi phí ban đầu và quan ngại của chủ đầu tư về vấn đề đào tạo vận hành đã khiến cho việc ứng dụng hệ thống này chưa thực sự phổ biến tại nước ta.
Trong tương lai gần, các chủ đầu tư, nhà quản lý dự án xây dựng ở Việt Nam cần sự nhìn nhận đúng hơn về giá trị của các công nghệ xây dựng xanh, các công cụ hữu ích như BIM, BMS và mạnh dạn đầu tư, sử dụng các hệ thống này trong thiết kế và quản lý công trình xây dựng.
Hà Đào