Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội KTS VN, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc nhấn mạnh: “Nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng Thiết kế Xanh, Hội KTS VN đã đi tiên phong bằng Tuyên ngôn Kiến trúc Xanh VN năm 2011. Từ đó đến nay, với rất nhiều hoạt động thiết thực, KTXVN đã được quảng bá và đang từng bước đi vào cuộc sống với những thành công đáng khích lệ ở trong nước và quốc tế. Hội thảo hôm nay, chắc chắn là cơ hội tốt để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm hiểu các công nghệ và vật liệu xanh mới, hiện đại, nhất là việc ứng dụng chúng trong thiết kế. Tôi tin rằng, những nội dung được trao đổi ở Hội thảo này sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển KTX ở VN.”
Các đại biểu tham dự hội thảo đều có quan điểm thống nhất khi đánh giá vai trò quan trọng của công nghệ và vật liệu bền vững trong việc thúc đẩy và phát triển kiến trúc xanh. Trên thế giới hiện nay đã có 104 trong 194 nước ký Thỏa thuận chung Paris đã cam kết nâng cao hiệu quả năng lượng của công trình nhằm đáp ứng các mục tiêu. Song mới chỉ có 68 nước đã có quy định về năng lượng trong công trình. Trong khi đó, ước tính đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng 27% đạt 9,8 tỷ và tổng diện tích sàn trên toàn cầu sẽ tăng 100%; lúc này nhu cầu về năng lượng sẽ tăng 50%.
Đại diện Hội đồng công trình xanh thế giới (WGBC), Ông Allan Teo, Trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng công trình xanh thế giới khẳng định: “Công nghệ và vật liệu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá các công trình xanh phát triển bền vững. Tôi tin rằng chúng ta đã bắt đầu có đủ công nghệ và vật liệu để áp dụng các thiết kế xanh nhưng không dừng lại ở đó, chúng ta vẫn cần liên tục đổi mới và thúc đẩy vượt qua các ranh giới thiết kế để cải thiện chất lượng công trình. Đặc biệt là thiết kế mặt dựng xanh, một yếu tố quan trọng trong cần được quan tâm để giảm thiểu tác động của xây dựng lên môi trường và đời sống con người.”
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế xanh, người điều phối hội thảo lần này là KS. Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Công ty tư vấn xanh GreenViet, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn các chứng nhận Công trình Xanh (CTX). Theo chia sẻ của anh, mặt dựng luôn có vai trò rất quan trọng trong công trình kiến trúc, nó chiếm khối lượng tương đối lớn trong công trình. Việc ứng dụng công nghệ xanh đối với mặt dựng của công trình kiến trúc không chỉ liên quan đến chất lượng về thẩm mỹ kiến trúc mà còn thúc đẩy hiệu quả nhiều mặt về tiết kiệm năng lượng. Với thiết kế mặt dựng tối ưu sẽ giúp tiết kiệm 40% năng lượng trong vận hành công trình. Phát triển các hệ mặt dựng xanh cho công trình sẽ đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển bền vững kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới.
Điều này đã được chứng minh rất rõ nét qua những công trình kiến trúc tiêu biểu được thiết kế thích ứng với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. KTS. Trần Công Đức, Giám đốc Công ty Kiến trúc GMP Asia-Pacific đã giới thiệu những công trình do Gmb thiết kế và thi công ở Việt Nam với những giải pháp tiết kiệm năng lượng ứng dụng mặt dựng công nghệ mới: “Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế vỏ bao che thích ứng khí hậu, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng (TKNL), lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu xuất năng lượng cao thì có thể TKNL khoảng 30-40%. Đối với các công trình đang vận hành, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai áp dụng các giải pháp TKNL dựa trên kết quả kiểm toán thì có thể TKNL từ 15-25%.”
Hội thảo quốc tế “Mặt dựng xanh trong kiến trúc hiện đại” có sự góp mặt của các diễn giả quốc tế đến từ tập đoàn AGC Group. AGC là tập đoàn hàng đầu đến từ Nhật Bản chuyên cung cấp các sản phẩm về kính, ô tô và màn hình cùng các vật liệu, linh kiện công nghệ cao khác, có trụ sở tại Tokyo. Với kinh nghiệm hơn 1 thế kỷ trong lĩnh vực trên, tập đoàn AGC đã trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về kính, công nghệ hóa học flo, điện tử và công nghệ gốm sứ. Với khoảng 50.000 nhân viên trên toàn thế giới, doanh thu hàng năm của thương hiệu đạt khoảng 13 tỉ USD và cung cấp sản phẩm trên khoảng 30 quốc gia thuộc khu vực Châu Á và Châu Âu.
Bên cạnh những bài thuyết trình của diễn giả và khách mời, hội thảo còn thu hút bởi phiên thảo luận hấp dẫn. Các KTS trẻ, nhà nguyên cứu, chủ đầu tư, các nhãn thương hiệu vật liệu … đã cùng nhau trao đổi về công trình “xanh”, vật liệu “xanh”, thiết kế “xanh” … và đưa ra nhiều phương án, giải pháp thích hợp dành cho Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
(Tạp chí Kiến trúc)