Nhiều thách thức
Đây là lần thứ hai, Cục Năng lượng Đan Mạch hợp tác với Bộ Công thương nhằm mô hình hóa kịch bản dài hạn cho ngành năng lượng Việt Nam, góp thêm tiếng nói cho các cơ quan hữu trách trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển điện VIII của Việt Nam.
Theo Báo cáo EOR19, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, với GDP tăng hơn 6%/năm. Trong đó, năng lượng được nhận định là đóng vai trò quan trọng. “Do đó, việc tiếp cận nguồn năng lượng tin cậy và có chi phí thấp sẽ là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững”, Báo cáo viết.
Dẫu vậy, Báo cáo cũng nhận định, Việt Nam có cơ hội lớn để theo đuổi một lộ trình phát triển bền vững khi xét đến tiềm năng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tiềm năng của nguồn năng lượng gió và mặt trời trong nước. Giá thành ngày càng giảm của các công nghệ này cũng như công nghệ pin lưu trữ năng lượng đã cho Việt Nam một lựa chọn thuận lợi khi chuyển đổi sang năng lượng xanh. Nhưng một lộ trình như vậy sẽ kéo theo những thách thức nhất định, đặc biệt trong mở rộng và tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống.
Hạn chế than, tăng LNG
Mặc dù là nước xuất khẩu tịnh năng lượng trong một thời gian dài, nhưng Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng vào năm 2015. Tới năm 2017, tỷ lệ phụ thuộc và năng lượng nhập khẩu là 20%. Tỷ trọng này được cho là sẽ tiếp tục tăng nhanh, chủ yếu do tăng nhập khẩu than phục vụ phát điện.
Để tránh các hiệu ứng mắc kẹt với nhiệt điện than, Báo cáo cho rằng, cần có hành động và biện pháp cấp bách để giảm phụ thuộc vào than nhập khẩu trong dài hạn. Theo đó, việc hạn chế tiêu thụ than cần được triển khai trước năm 2030, xuất phát từ áp lực đối với môi trường của các nhà máy nhiệt điện than và sức khỏe của người dân, cũng như khó khăn trong cung cấp tài chính cho các dự án nhà máy nhiệt điện than mới. Điều này sẽ mang lại lợi ích kết hợp của việc giảm nhập khẩu than và hạn chế ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, phương án dùng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho phát điện để sạch hơn trong giai đoạn trung và dài hạn, từ năm 2030 trở đi, cũng đòi hỏi phải tính đến tác động liên quan đến tổng chi phí của năng lượng nhập khẩu, cũng như tác động tiềm năng về giảm phát thải khí và giảm ô nhiễm.
Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng
Việt Nam được đánh giá là có cường độ năng lượng ở mức cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Năm 2015, cường độ năng lượng sơ cấp so với GDP là 20 GJ/USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới là 8 GJ/USD, hay so với các nước khác như Thái Lan (14,2 GJ/USD), Trung Quốc (13,8 GJ/USD)...
Thực tế, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng được cung cấp thông qua các chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả (VNEEP1 và VNEEP2), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) và một số gói vay vốn của các đối tác phát triển.
Báo cáo EOR19 nhận xét, các nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng vẫn là rào cản chính đối với việc khai thác tiềm năng này, trong khi “nếu triển khai thành công, có thể giảm đáng kể chi phí đầu tư vào nhà máy điện”.
Năng lượng tái tạo là tiêu điểm
Nhấn mạnh “năng lượng tái tạo phải là tiêu điểm trong Quy hoạch Phát triển điện VIII nhằm đảm bảo cơ sở cần thiết để phát triển năng lượng tái tạo trong 10 năm tới”, Báo cáo đã nhắc tới “việc đảm bảo các dự án đầu tư vào lưới điện đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện tích hợp thêm các nguồn năng lượng tái tạo và tránh cắt giảm công suất phát điện gió, điện mặt trời với chi phí tốn kém”.
Cụ thể, Quy hoạch Phát triển điện VIII sắp tới được kỳ vọng sẽ là khung pháp lý quan trọng cho phát triển hệ thống năng lượng tái tạo trong giai đoạn 10 năm tới. Để đạt được mục tiêu 40% công suất điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 cũng đòi hỏi quy hoạch tập trung vào điện gió và điện mặt trời là những nguồn điện cần phải được đưa vào.
Song với thực trạng điện mặt trời đang bùng nổ ở Việt Nam, Báo cáo cho rằng, cần chú ý đặc biệt việc phát triển điện gió, nhất là có thể phối hợp được giữa điện gió và phát triển nông nghiệp như ở Đan Mạch đã làm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định trong khi tích hợp điện gió và điện mặt trời với sản lượng biến động vào hệ thống điện, Báo cáo cũng thừa nhận, quy hoạch hệ thống điện tương lai cho Việt Nam phải đảm bảo công nghệ và các thành phần cần thiết của thị trường sẵn sàng để đảm bảo cân bằng hệ thống.
Báo cáo EOR19 có nhắc tới giá nhiên liệu nhập khẩu và xuất khẩu với các dự báo tới năm 2050, song không đưa ra bất cứ khuyến nghị nào về giá bán lẻ điện cho Việt Nam. Trong khi đó, các chuyên gia của WB đã từng khuyến nghị giá bán lẻ điện của Việt Nam bình quân phải tăng lên mức 11 - 12 UScent/kWh, cao hơn rất nhiều so với mức khoảng 8 UScent/kWh hiện nay.
Thanh Hương (Báo Đầu tư)