Hội thảo tham vấn ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2011/NĐ-CP về thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Ngày 8/11/2019, trong khuôn khổ Hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Công thương, Liên minh châu Âu và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thông qua Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, Bộ Công thương phối hợp với GIZ tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức, các chuyên gia cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2011/NĐ-CP về thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết: Chính phủ Việt Nam đang dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc giải quyết vấn đề năng lượng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, và việc sửa đổi Nghị định 21/2011/NĐ-CP phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đang được Bộ Công thương nghiên cứu.
Tại Hội thảo, theo tham luận của Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), mặc dù Việt Nam đã có tương đối đầy đủ các quy định pháp lý trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các quy định cơ bản phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng năng lượng của Việt Nam và xu hướng của khu vực và thế giới, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm, nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, của doanh nghiệp, kể cả các cơ quan quản lý còn hạn chế; Thiếu cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; Giá điện và giá năng lượng còn thấp, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu từ vào giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP về thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn có nhiều bất cập, cần rà soát, sửa đổi.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch VECEA, thông qua việc nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và phỏng vấn trực tiếp các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 21/2011/NĐ-CP cho thấy, Nghị định 21/2011/NĐ-CP bộc lộ một số bất cập như: chưa hình thành được cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng quốc gia, chỉ tiêu thống kê về sử dụng năng lượng chưa thống nhất, chưa hình thành mạng lưới thống kê về sử dụng năng lượng tại các địa phương; Quy định mức tiêu thụ năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa phù hợp với các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…, tỷ trọng sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng lĩnh vực công nghiệp còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% nhu cầu, lĩnh vực xây dựng mới quản lý khoảng 500 tòa nhà sử dụng năng lượng trọng điểm; Việc áp dụng mô hình quản lý năng lượng chưa thống nhất và phù hợp với các lĩnh vực sử dụng năng lượng; chưa xây dựng danh mục phải dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng, công trình xây dựng và phương tiện giao thông; Chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao…

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự, đã có ý kiến góp ý về  cân nhắc quy định lại mức sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để đảm bảo năng lực giám sát, thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như khả năng thực hiện của các đơn vị chịu sự quản lý, quy định thời hạn cấp chứng chỉ của kiểm toán viên NL là 05 năm để phù hợp hơn, miễn giảm về yêu cầu kiểm toán năng lượng cho các đơn vị đạt ISO 5001, chu kỳ kiểm toán năng lượng đối với cơ sở trọng điểm năng lượng là 05 năm thay cho 03 năm. 

Liên quan đến vấn đề năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng, Đại diện của dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (dự án EECB) - Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng đã phát biểu ý kiến để thống nhất và bổ sung thêm các vấn đề cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định 21/2011/NĐ-CP. Một số nội dung chính trong đề xuất của ngành xây dựng gồm: Dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm vật liệu có yêu cầu cách nhiệt; Chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Quy định về hệ thống báo cáo tình hình sử dụng năng lượng từ các cơ sở sử dụng năng lượng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương và Bộ Xây dựng; Cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Thêm vào đó, cần có quy định cụ thể hơn về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành xây dựng.
 
Nguyễn Hằng
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google