ENTERNEWS.VN Bộ Xây dựng cho biết sẽ sớm hoàn thiện khung chính sách cho công trình xanh, đồng thời sẽ huy động sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho hoạt động tiết kiệm năng lượng
Khung chính sách và sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho hoạt động tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, cho vay trung và dài hạn là "bệ đỡ" cho sự phát triển của công trình xanh.
Công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường bên trong công trình; bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Theo thống kê, hiện có khoảng trên 165 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore).
Trên cả nước hiện có khoảng 150 công trình đạt chứng nhận công trình xanh dựa trên các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, các công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách chiếm đa số. Số công trình có vốn đầu tư công, vốn ngân sách chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Theo ông Đỗ Hữu Nhật Quang - Giám đốc kinh doanh Greenviet, hiện nay việc xuất hiện những chuỗi công trình xanh đã cho thấy sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện; sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn đó là các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàn phát triển công trình xanh; tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức; chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ; sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.
Đồng quan điểm, ông Bùi Tiến Hùng - Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn ECOPARK cũng cho rằng, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể hơn để tạo cú hích cho phát triển công trình xanh; cần tổ chức phân hạng cô trình xanh để có ưu đãi tài chính cũng như ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách tương xứng.
Cần có hình thức truyền thông rộng rãi hơn để không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân cũng nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh; cần có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để hướng dẫn, quản lý, đánh giá cho cả một quy trình phát triển xanh từ lựa chọn địa điểm, quy hoạch, thiết kế, thi công đến vận hành công trình.
Nói về khung chính sách về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng ở Việt Nam, ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay Việt Nam đã xây dựng hệ thống chính sách tương đối đầy đủ và toàn diện về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, bao gồm: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh; nghiên cứu hướng dẫn nội dung về phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh để hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Nghị định quản lý dự án, Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng, Thông tư hướng dẫn đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả, công trình xanh…); đồng thời bổ sung một số quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản hướng dẫn; nghiên cứu, rà soát, bổ sung, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, suất đầu tư liên quan đến công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh (trong đó có các tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng theo TC ISO 52000 và 52003).
“Đặc biệt, Bộ cũng sẽ huy động sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho hoạt động tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, cho vay trung và dài hạn…; Hỗ trợ kỹ thuật cho các chủ dự án, chủ công trình về việc thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh” – ông Thịnh nhấn mạnh.
Lam Châu (https://enternews.vn/)
12 - 12 - 2020
11 - 12 - 2020
12 - 12 - 2020