Khuyến khích đầu tư phát triển vật liệu xây dựng xanh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Vật liệu xây dựng xanh không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp cho các công trình phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường khỏi những tác động của ô nhiễm bụi mịn như hiện nay.
 

Vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển công trình xanh


Theo PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, tiết kiệm năng lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển công trình xanh. Đồng thời, xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh trên thế giới hiện nay rất tiệm cận với quan điểm phát triển xanh, bền vững của Liên Hợp Quốc. Đó là sử dụng ít nhất nguồn tài nguyên có thể, nhưng lại đạt được hiệu quả tối đa.

Để đạt được điều đó, các quốc gia cần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, vật liệu xây dựng xanh cần phải loại bỏ các yếu tố độc hại trong quá trình sản xuất, đồng thời dễ dàng tái chế để làm đầu vào cho vật liệu khác.

Tại Việt Nam, những năm qua, Bộ Xây dựng đã rất tích cực và chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, nhiều đề án, chiến lược, chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
 

Vật liệu xây dựng xanh nhận được sự quan tâm tại triển lãm Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020


Tuy nhiên, trên thực tế do các rào cản về khoa học, công nghệ, vật liệu thân thiện với môi trường tại Việt Nam chưa được phát triển rộng rãi. Đó là những hạn chế đến từ việc đầu tư phát triển sản xuất đối với một số chủng loại vật liệu xây dựng còn chưa hợp lý, quy mô nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc nghiên cứu phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chưa được chú trọng.

Tình trạng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng ở một số lĩnh vực còn lạc hậu so với trình độ hiện nay ở khu vực và thế giới, đòi hỏi phải được thay thế, đổi mới. Nhân lực kỹ thuật cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành…

Theo PGS.TS. Lê Trung Thành, thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về vật liệu xây dựng, trong đó chú trọng các chính sách ưu đãi sản xuất và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng; đổi mới, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm vật liệu xây dựng; tăng thuế môi trường đối với những vật liệu gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao; đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới, làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động trong công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới thân thiện với môi trường; đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh có trình độ, kỹ năng, có khả năng hội nhập quốc tế.

Chia sẻ về định hướng phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới, TS. Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1266/Q Đ-TTg ngày 18/8/2020, nêu rõ quan điểm của Việt Nam là: Phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

"Chiến lược cũng đề ra mục tiêu nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường" - ông Hiệp khẳng định.

LAM CHÂU (https://diendanbatdongsan.vn/)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google