Chính sách tiết kiệm năng lượng của một số quốc gia Châu Á
Kỳ I. Chính sách tiết kiệm năng lượng của Trung Quốc
Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA), ở rất nhiều các quốc gia các công trình tiêu thụ gần 40% tổng năng lượng toàn cầu và nhu cầu xây dựng sẽ tăng 30% cho đến năm 2035. Các công trình cũng đóng góp 35% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Do đó, tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các công trình xây dựng là một hoạt động quan trọng của phần lớn các quốc gia trên thế giới trong chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hầu hết các quốc gia phát triển đều ban hành các chính sách, qui định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có các quốc gia Châu Á. Ví dụ: Luật tiết kiệm năng lượng của Philippine (Luật 1124. Luật thể chế hóa việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả và dành ưu đãi cho các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật TKNL của Trung quốc (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Thúc đẩy TKNL của Thái Lan (Luật thúc đẩy tiết kiệm 2535, 1992), Luật TKNL của Nhật Bản (1979), Luật Hiệu quả năng lượng công trình xây dựng của Nhật Bản (Building Energy Efficiency Act, 2015).
Các quy định của các luật nói trên tập trung vào thiết kế, xây dựng và vận hành tòa nhà: (i) Tuân thủ Quy chuẩn về nội dung TKNL trong thiết kế và xây dựng, ban hành và áp dụng định mức sử dụng năng lượng trong các tòa nhà; (ii) Dán nhãn năng lượng, bao gồm cho công trình xây dựng; (iii) Kiểm toán năng lượng các tòa nhà lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng; (iv) Các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng.
Tại Bộ Luật TKNL của Trung Quốc, điều 37 của luật quy định chi tiết về hệ thống điều khiển nhiệt độ trong các công trình công. Đối với các công trình có hệ thống sưởi trung tâm, nhà nước từng bước có biện pháp đưa vào sử dụng hệ thống đo cấp nhiệt theo hộ gia đình và tính phí dựa trên khối lượng tiêu thụ cụ thể của từng hộ. Trong quá trình xây dựng các tòa nhà mới hoặc trong việc cải tạo các tòa nhà hiện hữu, các thiết bị đo tiêu thụ nhiệt, điều khiển nhiệt độ trong nhà và điều khiển cung cấp nhiệt phải được lắp đặt.
Công trình không tuân thủ quy chuẩn hiệu quả năng lượng sẽ không được phép xây dựng, nếu đã hoàn thành xây dựng thì sẽ không được mua bán sang nhượng.
Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong thực thi quy chuẩn hiệu quả năng lượng trong những năm gần đây, trong đó khoảng 80% các tòa nhà dân sinh mới tuân thủ quy chuẩn hiệu quả năng lượng, so với 20% năm 2005. Hệ thống thực thi tuân thủ quy chuẩn HQNL và các quy trình được phê duyệt và chuẩn hóa. Năng lực của ngành xây dựng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn đã được nâng cao với sự xuất hiện trên quy mô lớn các vật liệu và cấu kiện hiệu quả năng lượng dành cho các công trình.
Nguyễn Thị Hằng