Virus Corona sẽ định hình lại nền kiến trúc như thế nào ?

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Năm 1933, KTS và Nhà thiết kế người Phần Lan – Hugo Alvar Henrik Aalto, cùng với người vợ đầu của mình, Aino, đã hoàn thành thiết kế Viện Điều dưỡng Paimio, một cơ sở điều trị bệnh lao ở Tây Nam Phần Lan. Tòa nhà có hình khối cứng nhắc, với những bức tường dài gồm các cửa sổ mở rộng bao quanh lấy mặt tiền, các phòng sáng màu và sân thượng có mái rộng cùng lan can giống như trên tàu du lịch – tất cả những dấu ấn mà chúng ta biết đến về kiến trúc hiện đại, xuất hiện trong những năm 1920 từ công trình của trường phái Bauhaus (Đức), và từ Le Corbusier (Pháp).

Nhưng những lựa chọn về chất liệu và thiết kế của Aaltos không chỉ thời thượng về thẩm mỹ – “Mục đích chính của tòa nhà là mang chức năng của một công cụ y khoa” – Hugo sau này viết. Bệnh lao là một trong những mối bận tâm y tế cấp bách nhất đầu thế kỷ 20; mỗi yếu tố của Paimio được hình dung nhằm thúc đẩy sự phục hồi sau bệnh. “Những căn phòng được xác định lối thiết kế tùy theo sức lực đang suy yếu của bệnh nhân nằm nghỉ trên giường”, Aalto giải thích. “Màu của trần nhà được chọn để tạo sự yên tĩnh, các nguồn sáng nằm ngoài tầm nhìn của bệnh nhân, hệ thống sưởi hướng về phía chân của bệnh nhân” (Sự kết hợp giữa bàn chân lạnh và đầu nóng được coi là một triệu chứng của bệnh.) Ánh sáng ban ngày tỏa rộng từ cửa sổ hay sân thượng, nơi bệnh nhân có thể ngủ, là một phần của phương pháp điều trị, vì mặt trời đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giết chết vi khuẩn lao. Tại viện điều dưỡng, bản thân kiến trúc đã là một phần của phương pháp chữa bệnh.

Phần lớn kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại có thể được hiểu là hệ quả của nỗi sợ hãi bệnh tật, một khao khát loại bỏ những căn phòng tối và những góc bụi bặm nơi vi khuẩn ẩn náu. Các KTS đã hợp tác với các bác sĩ có tư tưởng tiến bộ để xây dựng các viện điều dưỡng khác trên khắp châu Âu.

Bệnh lao đã giúp kiến trúc hiện đại trở nên hiện đại”, GS Beatriz Colomina tại Princeton viết trong cuốn lịch sử xét lại của mình: “X-Ray Architecture” (Kiến trúc X-quang). Thuốc chủng ngừa bệnh lao bắt đầu được sử dụng trên người vào năm 1921, nhưng Chủ nghĩa Hiện đại trong kiến trúc và vấn đề sức khỏe vẫn gắn chặt với nhau; các viện điều dưỡng khắc khổ cũng được tiếp thị như liều thuốc giảm đau cho các bệnh tâm thần.

Gần đây, chúng ta đã đến một thời điểm mới của bệnh tật và kiến trúc, nơi mà nỗi sợ lây nhiễm một lần nữa kiểm soát các loại hình không gian chúng ta muốn ở. Cũng như bệnh lao đã định hình Chủ nghĩa Hiện đại, cho nên COVID-19 cùng trải nghiệm tập thể của chúng ta trong việc ở trong nhà hàng tháng liền ảnh hưởng rất lớn đến tương lai gần của kiến trúc. “Trong thời gian cách ly, chúng tôi được yêu cầu ở yên trong những xà lim nhỏ của chính mình,” Colomina nói khi tôi gọi tới căn hộ của cô ở trung tâm Manhattan – “Kẻ thù trên đường phố, ở những chốn không gian công cộng, ở những phương tiện giao thông công cộng. Nhà được xem là không gian an toàn”. Vấn đề là: Tính thẩm mỹ theo chủ nghĩa hiện đại đã trở thành lối tắt cho một phong vị tốt, được nhấn mạnh bởi West Elm và những nhân vật có ảnh hưởng đang sống theo phong cách tối giản; nhà và văn phòng của chúng ta đã được thiết kế như những cái hộp trống rỗng. Colomina nói “Chúng ta đã đi”, “từ kiến trúc bệnh viện đến chỗ sống trong một không gian y như bệnh viện”. Và đột nhiên, trong đại dịch, hình mẫu này dường như chẳng còn mấy hữu ích.

Covid đã định hình lại các không gian – Ảnh: Archdaily
 

Không giống sự trống trải thoáng khí nguyên sơ của chủ nghĩa hiện đại, không gian cần thiết cho sự cách ly là nơi chủ yếu mang tính chất phòng vệ, với các dải phân cách và bức tường thủy tinh plêxi phân chia thế giới bên ngoài thành các khu vực an toàn vốn cần giữ cự ly xã giao. Tốt nhất nên tránh các không gian rộng mở. Chướng ngại vật là bạn của chúng ta. Các cửa hàng và văn phòng cũng cần tái thiết để mở cửa trở lại, thói quen sử dụng không gian của chúng ta về cơ bản đã thay đổi. Ở nhà, chúng ta có thể tự thấy lòng mình khao khát có thêm vài bức tường và những góc tối.

1. Không gian trong nhà

Khi chịu cách ly, tất cả những người làm việc trong những lĩnh vực không thiết yếu sẽ cảm thấy thân thuộc hơn với phạm vi trong chính nhà mình. Chúng ta biết mọi thứ về nhà của mình, đặc biệt là các khiếm khuyết: Thiếu ánh sáng ban ngày trong phòng này, sàn bẩn trong phòng khác, nhu cầu có thêm phòng tắm. Không gian là tất cả những gì chúng ta phải nghĩ đến. Với các KTS, đó là một bài tập dò xét cõi lòng, đặc biệt nếu bạn tình cờ sống trong một ngôi nhà mà bạn đã thiết kế cho chính mình.

Florian Idenburg và Jing Liu, một cặp vợ chồng là giám đốc của So-Il – công ty thiết kế bảo tàng nghệ thuật, phát triển nhà ở và các dự án nổi bật như lều cho Hội chợ Nghệ thuật Frieze – đã ở trong nhà của họ, gần Brooklyn Navy Yard, cùng hai cô con gái nhỏ. Đó là căn hộ 2 tầng có tường trắng sáng với không gian chung rộng mở. “Thật may, cả hai cô gái của chúng tôi đều có phòng riêng với cửa dày,” Idenburg nói. “Sự sắp xếp này thật hữu ích khi bọn trẻ có các buổi học qua video cùng một lúc.” Cách âm trở nên quan trọng hơn trong khi cả gia đình quây quần bên nhau suốt ngày, Idenburg lưu ý. “Gác xép, kiểu hình của TP New York, dường như không phải là thứ lãng mạn vào lúc này. Mọi người đều có cuộc gọi qua Zoom”.

Sự thiếu riêng tư và thiếu cơ hội sử dụng các phòng khác nhau càng trở nên khó chịu đựng khi không còn café, quán bar hay cửa hàng để ta có thể đào thoát.

Đối mặt với những giới hạn trong ngôi nhà của chính họ đã khiến Idenburg và Liu suy nghĩ lại về cách họ tiếp cận thiết kế không gian cho khách hàng. “Chúng ta không nhất thiết phải coi đây là ngày tận thế; không nên phản ứng thái quá,” Idenburg nói. “Tuy nhiên, trong tiềm thức, mọi người sẽ thực sự tính đến nó khi họ đánh giá ngôi nhà của mình trong tương lai.” Nhìn thấy bất kỳ không gian mới nào, giữa đại dịch, chúng tôi nhanh chóng tưởng tượng sẽ như thế nào khi bị mắc kẹt ở đó trong nhiều tháng. Trong thời gian cách ly, So-il đã thiết kế một dự án khu dân cư ở Brooklyn với ba mươi căn trong một tòa nhà mười hai tầng. Họ đã cập nhật sơ đồ căn hộ để phản ánh sự lo lắng về đại dịch: Nhà bếp, phòng ăn và phòng khách đều tách rời thay vì nhập lại với nhau; các phòng ngủ được đặt cách xa nhau, đệm cách âm tốt hơn cho phòng làm việc và bàn làm việc lớn hơn; và các KTS đang hướng tới 30% không gian ngoài trời với các lựa chọn đa dạng. “Đó là tầm quan trọng của việc có thể đi ra ngoài”, Idenburg nói. “Không chỉ để cổ vũ nhân viên chăm sóc sức khỏe mà còn ở bên ngoài hệ sinh thái một chút.”

Thiết kế nội thất phản ánh những gì ta tin là biểu trưng cho một lý tưởng về sự sinh hoạt gia đình. “Mỗi thời đại đòi hỏi hình thức riêng của nó,” KTS Bauhaus Hannes Meyer đã viết trong bài luận năm 1926 của mình, “The New World” (Thế giới mới): “Về mặt lý tưởng và về mặt thiết kế sơ đẳng, ngôi nhà của chúng ta là một cỗ máy sống. Trong thế kỷ 20, “kiến trúc đã không còn chức năng tiếp tục sự phát triển của truyền thống hay một hiện thân của cảm xúc”. Thay vào đó, nó lạnh lùng, theo hướng công năng, hiệu quả. Cùng năm đó, ông thiết kế một căn phòng đơn lý tưởng, mà ông gọi là Co- op Interieur, dành cho người lao động hiện đại, hình dung ra không chỉ một nơi ở cá nhân mà là hình mẫu cho cả một nền văn minh. Đó là một chiếc hộp trần để đựng cũi, một chiếc máy hát trên bàn, một chiếc kệ nhỏ và hai chiếc ghế có thể gấp lại và di chuyển. Toàn bộ khối có khả năng mở rộng và di động không giới hạn, phù hợp với làn sóng công nghệ đang toàn cầu hóa sâu rộng mà Meyer đã quan sát thấy trong bài luận của mình. Chừng nào không còn chỗ nào để cách ly thì bạn mới muốn chui vào chỗ đó.

Các KTS từ lâu đã bận tâm đến khái niệm “mức tối thiểu sinh tồn” (existence minimum) hoặc “Nơi ở tối thiểu” (minimum dwelling), như nhà phê bình Karel Teige đã đặt nhan đề cho cuốn sách năm 1932 của mình: “Đối với mỗi người đàn ông hoặc đàn bà trưởng thành, chỉ cần một căn phòng tối thiểu nhưng đủ độc lập, có thể ở được”. Mức tối thiểu sinh tồn đề xuất mức ít nhất mà bạn cần để cảm thấy thoải mái trong một không gian. Đối với thị dân thế kỷ 21, số lượng đó đã tăng lên theo thời gian, từ giường, ghế và máy quay đĩa của Meyer cho đến bộ phụ kiện di động mà chúng ta mang theo đi mọi nơi hồi trước đại dịch, như trên đường đi làm: Tai nghe, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, dây sạc. Cùng với nhau, nó hình thành một loại “mức tối đa sinh tồn”: Càng nhiều thứ càng tốt trong một không gian càng nhỏ càng tốt. “Tôi có một bong bóng không gian cá nhân siêu hình, nó lớn hơn không gian vật chất xung quanh tôi,” Antonelli nói: “Tôi có thể bị ép trong một toa tàu điện ngầm và tôi vẫn có thế giới của mình.”

Hiện nay, cả mức tối thiểu sinh tồn và mức tối đa sinh tồn đều không hiệu quả. Không gian cá nhân cần phải được kết nối ở không gian mạng và đầy tràn các thứ ở không gian vật lý ngay cả khi đang thực hiện việc giữ cự ly xã giao – Không phải là sự mượt mà ẩn danh, trắng tinh, sạch sẽ của chủ nghĩa hiện đại tối giản đương thời mà là một nơi ẩn náu đậm tính kết cấu, giống như hang động vật, đầy những lời nhắc nhở rằng phần còn lại của thế giới vẫn tồn tại, rằng mọi thứ đã từng là bình thường và sẽ lại bình thường như vậy. Chúng ta phải có khả năng ngủ đông.

2. Không gian văn phòng

COVID-19 kêu gọi thiết kế dự phòng. Mặt nạ và găng tay che chắn cơ thể chúng ta như một lớp da thứ hai. Các dải băng hình tròn cách nhau chừng hai mét để đảm bảo chúng ta không lây nhiễm cho người khác khi đứng xếp hàng ở cửa hàng tạp hóa. “Dải băng là một trong những vật liệu tuyệt vời nhất trong kiến trúc,” Idenburg cười nói. Các chiến lược nhất thời khác đã xuất hiện khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại. Một nhà hàng Hà Lan đã xây dựng các gian hàng bằng kính giống như nhà kính xung quanh các bàn ngoài trời của mình để che chắn thực khách với nhân viên phục vụ bàn. Một quán cà phê ở Đức đã thử nghiệm những chiếc mũ có gắn phao tập bơi hình mì sợi để khách không đến quá gần nhau. Một sòng bạc ở Florida đã lắp đặt một lớp nhựa bảo vệ chống hắt hơi dày trên các bàn poker của mình, với khoảng trống ở phía dưới dành cho người chơi.

Toàn bộ chuyện này chẳng khác gì một infographic có kích cỡ đời thực: Bạn phải luôn giữ khoảng cách như vậy – “Nếu bạn muốn thay đổi thói quen gần gũi với mọi người, chúng ta cần phải có những hướng dẫn rất rõ ràng”, theo lời Jeroen Lokerse, Giám đốc điều hành của Tập đoàn bất động sản quốc tế Cushman & Wakefield tại Hà Lan, trong cuộc gọi từ nhà riêng ở Amsterdam: “Sự trực quan hóa là chìa khóa để chắc rằng mọi người cảm thấy an toàn.” Vào ngày 25/Ba, Lokerse đã có cuộc họp với Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan và quốc vụ khanh về một gói cứu trợ cho lĩnh vực bán lẻ. Anh lái xe trở lại văn phòng trống trải của mình và bắt đầu tự hỏi có thể làm gì để đảm bảo an toàn cho cái mà chính phủ gọi là “xã hội 1,5 mét”.

Kết quả là “văn phòng 6 foot”. Các miếng thảm tấm (carpet tile) tạo ranh giới bởi các vòng tròn màu đen kích thước 6 foot bao quanh mỗi bàn làm việc trong mặt bằng sàn. Ghế phụ, được đặt bên ngoài vòng tròn, tạo điều kiện cho các đồng nghiệp có thể trao đổi. Ghế trong phòng hội nghị được làm cho mỏng đi và không gian kín phải có lối thoát theo chiều kim đồng hồ, một cách đồng bộ, để các đồng nghiệp không va vào nhau. “Bàn nóng” (Hot – desking – một hình thức để tiết kiệm không gian, nhiều người sẽ dùng chung 1 bàn khi cần, thay vì tất cả mọi người đều có bàn làm việc riêng) hoặc việc nhiều nhân viên chia sẻ một bàn là khả thi khi sử dụng các tấm giấy lót dùng một lần, trên đó nhân viên đặt máy tính xách tay hoặc bàn phím và chuột. Cushman & Wakefield đang dần thử nghiệm thiết kế “Văn phòng 6 foot” tại văn phòng Amsterdam của họ, nơi từng có sức chứa hai trăm bảy mươi lăm người nhưng giờ chỉ còn bảy mươi lăm người làm việc cùng lúc.

KTS Deborah Berke điều hành một công ty cùng tên, ở New York; được biết đến với phong cách hiện đại đương đại, sạch sẽ nhưng cũng thuận theo bối cảnh. Khi suy nghĩ về việc thiết kế cho đại dịch, Berke đã xem xét ví dụ về không gian được thiết kế cho người điếc, như Đại học Gallaudet, ở Washington, DC. Những không gian như vậy cần ánh sáng tốt để ký hoặc đọc nhép, và các thiết bị như đèn nhấp nháy để người khiếm thính biết lúc nào có người vào phòng. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng về cơ sở hạ tầng của sự sạch sẽ, cô nói: “Mọi người có cởi giày ở cửa không? Tủ đựng áo khoác có đủ lớn và đủ xa không? Có chỗ nào gần cửa mà bạn có thể rửa tay không?”. Le Corbusier đã giải quyết vấn đề cuối cùng bằng cách lắp đặt một bồn rửa có chân đế ở lối vào căn Villa Savoye, từ năm 1931.

Thay vì tái lập kiểu trống trải sạch choang theo lối xưa cũ của Chủ nghĩa Hiện đại, Berke đã lấy cảm hứng từ các thiết bị sẵn có mà cô bị thu hút, các dải phân cách và tường rào mà mỗi cá nhân ứng biến từ bất cứ thứ gì có trong tay – tường bằng thủy tinh plê-xi, rèm nhà tắm hoặc các túi đựng rác dán với nhau để che chắn quầy thu ngân. Vòng lắc eo dùng để giúp trẻ em giữ cách khoảng trong công viên và giàn giáo được các huấn luyện viên thể dục dùng làm các thanh xà đơn cho cả nhóm. “Mọi người đang trở thành, nếu không phải KTS thì cũng là nghệ nhân và nhà tạo tác các không gian an toàn,” cô nói. “Tôi không muốn chúng ta, thế giới các chuyên gia thiết kế, đánh mất một số mặt tích cực, như sự dân chủ hóa đến từ những điều này.” Trong kiến trúc luôn có sự cám dỗ để tìm kiếm một giải pháp ổn định, một thiết kế hoàn hảo vốn sẽ giải quyết rốt ráo mọi vấn đề, và đó là thứ nằm ngoài tầm với của loài người khuyết nhược. Đó là giấc mơ đã phai nhạt của trường phái Bauhaus: Một không gian hoàn hảo cho tất cả mọi người, lặp đi lặp lại trên khắp thế giới, được áp đặt từ một vị trí có đặc quyền đối với những người được cho là có thị hiếu kém hơn. Những thiết kế tốt hơn có thể là những thiết kế phát triển từ dưới lên khi tất cả chúng ta đều tìm ra thói quen của mình vào thời hậu đại dịch. Khẩu trang đã thể hiện một thẩm mỹ được dân chủ hóa. Tất cả chúng đều trông khác nhau – khăn tay có hoa văn, áo phông tái sử dụng hoặc nhiều món đồ do minh tinh làm nên thương hiệu từ theWeeknd – nhưng tất cả chúng đều thực hiện một điều như nhau.

3. Không gian đô thị

Cách ly biến chúng ta thành người khám phá ra những điều quen thuộc. KTS trẻ Ilias Papageorgiou chuyển từ New York trở về quê nhà Athens, Hy Lạp, một năm trước để thành lập công ty của riêng mình. (Anh ấy từng là cộng sự tại SO- IL.) Papageorgiou rời đi lần đầu tiên khi anh ấy mười tám tuổi; việc trở lại đã mang cho anh trải nghiệm mới về thành phố, đặc biệt là trong thời gian cách ly cùng vợ và con trai trong một căn hộ có sân thượng ở trung tâm thành phố. Khi tôi nói chuyện với anh ấy, tiếng chim hót liên hồi đủ lớn để nghe qua điện thoại, một tấm bưu thiếp bằng âm thanh từ nơi có mặt trời và bầu trời xanh. “Tôi có cảm giác như đang đi khám phá một địa điểm vậy,” anh nói.

Ở hầu hết cácTP, thói quen của đời sống xã hội được tạo thành chính xác từ các loại hình kinh doanh phải đóng cửa trong đại dịch: Nhà hàng, quán bar, khách sạn và quán cà phê. Một sự phát triển mới đang diễn ra trong lĩnh vực thương mại, Papageorgiou cho biết. Bây giờ “không gian duy nhất chúng ta có thể sử dụng là không gian cá nhân hoặc không gian công cộng; không có trung gian ”. Giống như chúng ta nhận biết được từng lỗi tí ti trong ngôi nhà của mình, chúng ta cũng đang đối mặt với những giới hạn của không gian công cộng. Đường phố vắng, nhưng vỉa hè có thể đông người và ta cần phải đi lối vỉa hè như thế trong tâm thế phòng vệ. Cơ sở hạ tầng như công viên, hồ bơi, bãi biển và sân chơi, tất cả những tiện nghi giúp cuộc sống đô thị chật chội có thể kham được – đều bị đóng cửa hoặc dễ gây hoang tưởng, nỗi khát khao đến những nơi này được làm nguôi đi bởi mối đe dọa phơi nhiễm vi-rút.

Cho đến nay, tác động của đại dịch đối với đô thị đã thể hiện ở những thay đổi nhỏ có thể được thực hiện nhanh chóng hơn so với xây mới một tòa nhà hoặc quy hoạch phân khu mới. Thủ đô của Lithuania, Vilnius, đã mở các đường phố cho các nhà hàng và quán cà phê có thể kê bàn với khoảng cách thích hợp. TP New York đã làm những con đường đi bộ dài bốn mươi dặm chỉ để mở rộng lối đi đến những khu vực ngoài trời nằm cách xa các công viên. London đang thiết lập một mạng lưới rộng lớn các làn đường mới dành cho xe đạp. Tobias Armborst, Chủ tịch công ty kiến trúc và quy hoạch đô thị Interboro ở Brooklyn và Detroit, nói rằng những can thiệp này được gán mác “chỉnh trang đô thị mang tính chiến thuật”:
“Chỉnh trang đô thị không phải là chuyện quy hoạch tổng thể mà đến từ dưới lên”.

Tương lai của các TP sẽ vẫn là câu hỏi cơ bản về mật độ dân số. Vào những một tám năm mươi (1850s), Georges- Eugène Haussmann bắt đầu tái thiết Paris, phá bỏ các khu phố đông đúc kiểu Trung cổ, vốn được coi là những thứ gây phiền hà, chuộng các đại lộ rộng lớn cùng những bản quy hoạch thành phố lớn với các công viên dạng khối hình học và các quảng trường công cộng – tiền thân của sự phát triển Chủ nghĩa Hiện đại kiểu Euclid trong thế kỷ 20. Trong vài thập niên qua, thiết kế đô thị tập trung vào việc giải trừ mô hình này, vun bồi mật độ cơ quan thông qua nhà ở giá phải chăng, căn hộ dạng khoang ngủ ngày càng nhỏ và khu vực công năng hỗn hợp. Bây giờ, một lần nữa, như một phản ứng đối với bệnh tật, Armborst nói, “Chúng ta đang ở trong một tình huống mà sự dày đặc là điều cần phải tránh.” Thách thức nằm ở việc điều hòa giữa nhu cầu về một kế hoạch kiến trúc dài hạn với diễn biến chưa thể biết trước của đại dịch.

 Thay lời kết

Chủ nghĩa Hiện đại Bauhaus đã lan ra khỏi các viện điều dưỡng ở châu Âu đến các tòa tháp văn phòng ở New York, các tòa nhà đại học Nigeria và các căn hộ ở Tel Aviv (do đó một nhãn hiệu khác của nó là Phong cách Quốc tế). Những bức tường trống, sàn nhà và bề mặt bóng loáng đồng nghĩa với tư tưởng du mục cao cả, phong cách của một người không sống nơi đâu và thuộc về mọi nơi. Nó phát triển thành tính thẩm mỹ tối giản của các không gian tạm thời của thế kỷ 21.

Khi việc di chuyển buộc phải chậm lại, có lẽ xu thế hướng tới tính đồng nhất của không gian cũng vậy. Hoặc ít nhất đây là thời điểm để dừng lại và chất vấn điều đó. Kiến trúc hậu đại dịch sẽ đòi hỏi sự chuyển dời lớn hơn trong thái độ và hệ tư tưởng, KTS Steven Holl nói với tôi: “Tôi không cho rằng bạn có thể xử lý điều đó chỉ bằng cách thay đổi một khía cạnh nào đó của một không gian đơn nhất trong một thành phố nào đó.”
Trong một tuyên ngôn ngắn gọn về thời đại dịch mà ông đã truyền bá khắp các đồng nghiệp và bạn bè, Holl viết rằng kiến trúc “nên tiếp nhận sự lụy thuộc (codependence) của chúng ta”. Các tòa nhà có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách mà chúng ta kết nối ở phạm vi toàn cầu – những con đường tạo sự lây lan coronavirus nhưng cũng có thể giúp chúng ta cùng nhau chống lại sự lây lan đó.

Chúng ta cũng sẽ chú ý đến những khu phố của mình khi cứ phải đi loanh quanh chúng không biết bao nhiêu lần. Luôn có nhiều điều để lưu ý về tính đặc thù của một địa điểm hoặc một không gian đơn nhất. “Tính độc đáo riêng biệt của từng địa phương hay khu vực là điều cần trân trọng hàng đầu,”

Deborah Berke nói. “Điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến trải nghiệm toàn cầu khi chúng ta được trở lại với trải nghiệm đó một lần nữa.”

KTS  Đinh Ngọc Tâm (lược dịch)
Lược dịch từ bài viết của tác giả Kyle Chayka đăng trên Tạp chí The New Yorker tháng 7/2020
 

Nguồn : Tạp chí kiến trúc 

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google