Hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, ngành Xây dựng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển công trình tiết kiệm năng lượng phù hợp với ngành Xây dựng, thỏa thuận công nhận mức giảm phát thải của nhóm toà nhà...
Xây dựng cơ chế thúc đẩy phù hợp
Chiều ngày 14/10, diễn ra phiên Toàn thể có chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26” trong Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định, thực hiện các cam kết về giảm phát thải của Chính phủ, ngành Xây dựng đang triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), giảm tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng…
Thúc đẩy việc phát triển công trình xanh là một giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải KNK mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện, trong đó việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam còn khiêm tốn, chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng “0” là thách thức lớn khi đích đến năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng bày tỏ mong muốn các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan cùng với các bài trình bày, sẽ trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình phát thải ròng bằng “0”; đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, giải pháp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phát triển công trình xanh, tiến tới công trình phát thải ròng bằng “0”.
Những kết quả đạt được tại Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2022 sẽ trở thành sự kiện được tổ chức thường niên của Bộ Xây dựng nhằm tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của các bên liên quan và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh, đô thị xanh, tiến tới các công trình, dự án đô thị phát thải thấp, phát thải ròng bằng “0”, thể hiện nỗ lực và đóng góp thiết thực của ngành Xây dựng vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của đất nước.
Cũng tại Hội nghị, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam gửi lời khen ngợi Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết tại COP26 đồng thời nhanh chóng triển khai thực hiện cam kết này bằng việc hoạch định quản lý theo hướng bền vững tại Việt Nam.
Lĩnh vực Xây dựng trên toàn cầu đang chiếm dụng mức tiêu thụ năng lượng rất cao, rất cần thiết có mức giảm phát thải nhưng vẫn còn hạn chế về công cụ, chính sách, ví dụ như các quy định rõ ràng về mức độ tiêu thụ năng lượng, những quy định và cột mốc, mức độ tiêu thụ năng lượng, cơ chế thưởng phạt cũng như những chính sách khuyến khích…
Ở chương trình quốc gia, UNDP đã cùng Việt Nam triển khai Dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho các tòa nhà từ đó có thể định hướng việc sử dụng năng lượng hiệu quả và từng bước hiện thực hóa mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải KNK.
Thông qua dự án này, đã có những công trình xây dựng ở TP Hà Nội được ghi nhận bằng những giải thưởng, chứng nhận quốc tế như Chứng nhận LEED. Hi vọng những công trình đạt Chứng nhận LEED sớm xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.
Ông Patrick Haverman nhấn mạnh 3 mục tiêu. Thứ nhất, phải thực hiện các mục tiêu hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà, đặc biệt là cho những tòa nhà công nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như hiện thực hóa cam kết của Chính phủ.
Thứ hai, trong 01 thập kỷ tới, cần xây dựng đầy đủ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và có những quy định hành động rõ ràng về kiểm tra, chứng nhận và cơ chế thúc đẩy phát triển tòa nhà xanh một cách rõ ràng. Lĩnh vực tư nhân cũng phải có những mục tiêu rõ ràng về mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà, công trình của mình.
Thứ ba, cần có hệ thống khen thưởng với cơ chế tốt hơn và dùng tài chính như một công cụ thúc đẩy công trình xanh bền vững trên toàn cầu và tại Việt Nam. Cần có sự hợp tác của chính quyền Việt Nam với đối tác nước ngoài để có thể xây dựng cơ chế thúc đẩy riêng phù hợp với ngành Xây dựng và áp dụng cho các tòa nhà có sử dụng năng lượng phát thải bằng “0” cũng như các tòa nhà xanh.
Cần có công nhận mức giảm phát thải toà nhà
Tại Hội nghị, đại diện của Bộ TN&MT đã có bài phát biểu quan trọng và ý nghĩa với vai trò là cơ quan chuyên ngành được Chính phủ giao tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì thực hiện các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện COP26.
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng, Cục BĐKH, Bộ TN&MT phát biểu, phát thải của ngành Xây dựng nằm trong lĩnh vực năng lượng, mục tiêu giảm phát thải đến 2030 của Việt Nam là giảm 43,5% so với cam kết, trong đó lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương.
Mục tiêu giảm phát thải đến 2050 của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh để đạt mục tiêu trung hòa carbon, trong đó lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương.
Các biện pháp thực hiện đối với ngành Xây dựng như sử dụng điều hòa nhiệt độ hiệu suất cao hộ gia đình; Sử dụng tủ lạnh hiệu suất cao; Sử dụng đèn thắp sáng tiết kiệm điện; Sử dụng thiết bị đun nước nóng mặt trời; Tối ưu hóa chu trình đốt clinke; Giảm tổn thất nhiệt lò nung clinke; Thu hồi nhiệt thải từ sản xuất xi măng; Sử dụng máy nghiền đứng trong sản xuất xi măng; Áp dụng công nghệ CCS trong sản xuất xi măng; Áp dụng công nghệ cải tiến trong sản xuất gạch nung.
Đặc biệt trong lĩnh vực xi măng, phải có biện pháp thu hồi nhiệt thải từ sản xuất xi măng cho phát điện và sử dụng máy nghiền đứng sẽ được áp dụng cho sản xuất khoảng 50% sản lượng xi măng. Bên cạnh dó, công nghệ CSS bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2035 với tỷ lệ ước đạt năm đầu khoảng 5% sản lượng clinke…
Ông Phạm Văn Tấn khuyến nghị các doanh nghiệp ngành Xây dựng cần chuẩn bị sẵn sàng về con người đủ năng lực thực hiện kiểm kê KNK; tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều KNK; hợp tác với các cơ quan Chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn/hệ số phát thải đối với sản phẩm của mình…
Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng chia sẻ chi tiết hơn nội dung các nhiệm vụ của ngành Xây dựng thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm ít nhất 563,8 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó, mục tiêu giảm phát thải KNK của Bộ Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2 tương đương.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm giảm phát thải KNK đứng vị trí thứ 03 trong tổng số 05 ngành trọng điểm, chiếm 13% mục tiêu tổng phát thải KNK cần giảm tối thiểu của Việt Nam. Mục tiêu này được hiểu là mức giảm phát thải so với đường phát thải thông thường BAU, là tổng phát thải giảm được trong giai đoạn 2016-2030.
Ông Vũ Ngọc Anh cho biết chi tiết, phát thải từ các quá trình công nghiệp là phát thải do quá trình hoá học chuyển hoá thành phần carbon có trong nguyên liệu khi sản xuất VLXD như xi măng, kính, gạch nung, sứ vệ sinh… Phát thải từ tiêu thụ năng lượng bao gồm phát thải trực tiếp khi sử dụng nhiên liệu (dầu, than, khí…) để đốt và không bao gồm phát thải gián tiếp khi sử dụng điện (do việc giảm nhu cầu điện đã được tính trong phát thải sản xuất năng lượng của ngành Công thương).
Do đó, hiện chưa có quy định về mục tiêu giảm phát thải KNK đối với toà nhà, Bộ Xây dựng đang làm việc với Bộ TN&MT để công nhận mức giảm phát thải KNK của nhóm toà nhà, giảm nhẹ gánh nặng mua tín chỉ cho ngành sản xuất VLXD.
Thanh Nga (Tạp chí Xây dựng)
30 - 09 - 2022
07 - 07 - 2022
07 - 07 - 2022