Thúc đẩy phát triển công trình xanh: Cần có cơ chế chính sách cụ thể

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
(Xây dựng) - Đây là nhận định của ông Nguyễn Công Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) khi đề cập đến sự phát triển của công trình xanh (CTX) tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về chủ đề này.
Thưa ông, hiểu một cách đơn giản, thế nào là CTX?

Ông Nguyễn Công Thịnh
- Trên thế giới có nhiều định nghĩa về CTX. Tuy nhiên, cơ bản có chung nội hàm, gồm thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường; sử dụng các loại vật liệu mà năng lượng để sản xuất ra vật liệu đó thấp, lượng phát thải CO2 thấp, ưu tiên sử dụng các loại nguyên liệu, vật liệu tái chế, ít tác động đến tài nguyên thiên nhiên; sử dụng các thiết bị cơ điện tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giúp giảm chi phí vận hành; công trình tiện nghi, bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng...
Phát triển CTX là xu hướng tất yếu trên thế giới. Tôi tin rằng, nếu có các cơ chế chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ phát triển mạnh CTX trong thời gian tới.
Ông có thể phác thảo bức tranh chung về sự phát triển của CTX tại Việt Nam hiện nay?
- CTX bắt đầu phát triển tại Việt Nam từ khoảng 10 năm trước, cùng với sự xuất hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp, tòa nhà văn phòng… Các nhà đầu tư FDI cần chứng chỉ xanh khi xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường các nước phát triển, do vậy họ đầu tư nhà máy xanh, văn phòng xanh. Những năm gần đây, xuất hiện thêm xu hướng phát triển các dự án BĐS, nhà ở, trường học xanh.
Cả nước hiện có hơn 100 CTX được chứng nhận bởi các hệ thống đánh giá CTX khác nhau. Việc đánh giá CTX được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Dẫn dắt thị trường là khối tư nhân. Theo thống kê, hiện chưa có công trình vốn ngân sách nào được chứng nhận là CTX.
Các hệ thống đánh giá CTX ở Việt Nam khá đa dạng, trong đó có một số hệ thống đánh giá CTX phổ biến như LEED của Hội đồng CTX Mỹ, GREEN MARK của Hội đồng CTX Singapore; LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam, EDGE của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thuộc Ngân hàng Thế giới…
Hệ thống EDGE đánh giá CTX ở mức khá kiêm tốn như công trình tiết kiệm năng lượng (TKNL) hơn 20% so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (Quy chuẩn 09). Hệ thống LEED, LOTUS thì đánh giá toàn diện hơn, quan tâm đến cả các chỉ số như sự thoải mái, tiên nghi, sức khỏe cho người sử dụng công trình…
Với số lượng hơn 100 CTX được công nhận, xem ra Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Theo ông, đâu là rào cản trong phát triển CTX?
- Thứ nhất, hiện chưa có quy định mang tính bắt buộc hoặc khuyến khích đủ mạnh để phát triển CTX, đặc biệt là đối với các công trình xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước…
Thứ hai là nhận thức của nhiều đối tượng có liên quan về CTX còn hạn chế, kể cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, xây dựng, người sử dụng… Nhiều người vẫn nghĩ đầu tư CTX là tốn kém, tuy nhiên, trên thực tế, nếu được tính toán thiết kế ngay từ đâu, việc phát triển CTX chưa hẳn đã làm tăng thêm chi phí. Trong khi đó, CTX lại cho phép người sử dụng được hưởng lợi trong suốt quá trình vận hành công trình.
Thứ ba là các rào cản về kỹ thuật và đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực TKNL, CTX áp dụng trong các công trình xây dựng.
Thứ tư là chưa có nhiều công trình làm mẫu về CTX ở Việt Nam.
Thứ năm là chưa có đầy đủ các định mức kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư CTX để làm căn cứ triển khai thiết kế, thi công, quản lý vận hành và đánh giá, công nhận CTX ở các công trình có nguồn vốn đầu tư công.
Dù chưa có tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến CTX nhưng trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn 09 yêu cầu các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Chẳng phải TKNL một trong những cấu phần quan trọng của CTX, thưa ông?
- Ở nhiều nước, tiêu chí TKNL chiếm tỷ trọng lên đến 50% trong hệ thống đánh giá CTX. Như hệ thống đánh giá CTX của Singapore, tiêu chí TKNL chiếm tỷ trọng 60%.
Tại Việt Nam, Quy chuẩn 09 lần đầu tiên được ban hành năm 2005, đến nay đã phát triển đến phiên bản thứ 3 (Quy chuẩn 09/2017/BXD) và là công cụ ở mức cơ cở để kiểm soát việc đầu tư, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình, đáp ứng yêu cầu về TKNL.
Việc áp dụng Quy chuẩn 09 rất quan trọng trong chiến lược, chính sách phát triển CTX. Muốn phát triển CTX thì trước hết phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy chuẩn 09.
Quy chuẩn 09 là một trong những điều kiện tiên quyết để xác định một công trình quy mô tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên có đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí CTX hay không. Nhưng tuân thủ Quy chuẩn 09 thôi chưa đủ, mà việc đánh giá CTX còn có nhiều tiêu chí khác nữa.
Vậy theo ông, cần làm gì để thúc đẩy phát triển CTX?
- Trước hết, phải khẳng định được vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc phát triển CTX. Bộ Xây dựng cũng đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển CTX để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành. Chính sách về phát triển CTX sẽ định hướng và quy định các vấn đề liên quan đến yêu cầu phát triển CTX trong các công trình xây dựng mới hoặc công trình cải tạo, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn; đưa ra bộ tiêu chí đánh giá, công nhận CTX cho các công trình có vốn đầu tư công; triển khai đầu tư xây dựng thử nghiệm một số CTX vốn ngân sách, từ đó tổng kết, đánh giá, đề xuất cơ chế chính sách phát triển CTX, cũng như xây dựng suất đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật cho CTX, cơ chế ưu đãi, khuyến khích cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy các CTX từ nguồn vốn đầu tư của xã hội…
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo về CTX trong nhà trường, các chủ đầu tư, doanh nghiệp tư vấn, thiết kế, thi công, xây dựng, quản lý vận hành công trình và các hội nghề nghề nghiệp nhằm tăng cường năng lực cho các bên liên quan về CTX và tăng cường truyền thông về CTX.
Tức là trong tương lai sẽ hình thành bộ tiêu chuẩn CTX quốc gia?
- Như tôi đã đề cập, tại Việt Nam hiện có nhiều hệ thống đánh giá CTX, với dải tiêu chí đánh giá từ thấp đến cao. Chúng ta không thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, công nhận CTX mà thiếu chính sách để bắt buộc hoặc khuyến khích các công trình, các đối tượng cụ thể phải thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình theo tiêu chí CTX.
Vấn đề là lựa chọn bộ tiêu chí nào để đánh giá? Để đưa ra tiêu chuẩn đánh giá, công nhận CTX cho các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách, có thể nghiên cứu thành lập tổ chuyên gia đánh giá, phân tích các tiêu chuẩn về CTX hiện có và đề xuất tiêu chuẩn đánh giá, công nhận CTX quốc gia để áp dụng ở mức cơ sở cho các công trình đầu tư công.
Trên thế giới có 2 mô hình quản lý phát triển CTX. Mô hình thứ nhất, Nhà nước ban hành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về CTX và cơ quan Nhà nước đánh giá, cấp chứng nhận CTX. Mô hình thứ hai là xã hội hóa, để các tổ chức tư nhân, bao gồm cả trong nước và quốc tế đánh giá, công nhận CTX, Nhà nước chỉ đảm nhiệm vai trò định hướng, đưa ra nguyên tắc đánh giá, quản lý chuyên ngành.
Theo ông, có nên quy định bắt buộc các công trình đầu tư công phải phát triển CTX không?
- Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, trong giai đoạn đầu của phát triển CTX thì vai trò của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng để định hướng chính sách và xu hướng phát triển CTX. Việc phát triển CTX ở các dự án đầu tư công sẽ kích thích, dẫn lối cho sự phát triển CTX ở các nguồn vốn đầu tư khác.
Trong bối cảnh thị trường CTX ở Việt Nam còn mới phát triển, nếu chúng ta đưa ra quy định quá cứng, quá phức tạp thì khó đảm bảo tính khả thi.
Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, có thể cân nhắc theo hướng ở giai đoạn đầu, chỉ quy định công trình có mức vốn đầu tư, công năng, quy mô nhất định mới bắt buộc đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn CTX. Trong các giai đoạn sau sẽ xem xét, mở rộng đối tượng bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn CTX.
Với vai trò tham gia và định hướng của Nhà nước, chắc chắn sẽ thu hút, huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối tư nhân và nâng cao nhận thức, nhu cầu của người sử dụng trong việc phát triển các CTX tại Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Việc đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí CTX có thể làm thay đổi tổng mức đầu tư cũng như phát sinh thêm một số các công việc trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Tuy nhiên, tính toán tổng thể về chi phí - lợi ích trong cả vòng đời công trình thì vẫn có lợi do giảm được chi phí quản lý, vận hành công trình trong giai đoạn sử dụng.
Quý Anh 
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google