Tiết kiệm năng lượng - Sự sống còn của nền kinh tế

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Có một thực tế là công nghiệp Việt Nam đang sử dụng lãng phí nhiều năng lượng do công nghệ lạc hậu và ý thức của con người. Bởi vậy, làm thế nào để tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ đơn thuần là một chương trình hành động quốc gia mà còn mang tính sống còn của nền kinh tế Việt Nam.Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã ghi lại một số ý kiến tại Diễn đàn “Năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” được tổ chức mới đây.    

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Cấp bách phải tiết kiệm năng lượng

tiet kiem nang luong su song con cua nen kinh te

Năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm.
 

Cũng theo kịch bản này, nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỉ kWh, 352 tỉ kWh và 506 tỉ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 mới đạt 192,93 tỉ kWh). Tốc độ tăng nhu cầu điện cả nước trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao, cụ thể: 10,6%/năm (giai đoạn 2016-2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026-2030). Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ phải đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030.

Đây là một thách thức lớn trong việc thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới.

Trong thời gian qua, chúng ta gặp khó khăn về cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2015 do nhiều dự án điện lẽ ra phải đưa vào vận hành nhưng đều chậm tiến độ với nhiều lý do khác nhau.


Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành cao và gặp nhiều rào cản kỹ thuật, tài chính.


Lĩnh vực năng lượng nói chung, ngành điện nói riêng, đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc cung ứng đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp thực sự rất cấp bách.

Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Trịnh Quốc Vũ: 9 nhóm giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả

tiet kiem nang luong su song con cua nen kinh te

Những năm qua, GDP của nước ta tăng trưởng khá, trung bình 7,26%/năm trong giai đoạn 2001-2010; 6,14%/năm giai đoạn 2011-2018. Bởi vậy, nhu cầu năng lượng tăng trung bình tới 10-11%/năm. Hiện nay, các nguồn năng lượng sơ cấp không thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023.
 

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển có đầy đủ hành lang pháp lý liên quan đến sử dụng năng lượng như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SD NLTK&HQ), các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật SD NLTK&HQ.

Theo Chương trình quốc gia về SD NLTK&HQ giai đoạn 2019-2030, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để thúc đẩy SD NLTK&HQ thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp: Quản lý Nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực SD NLTK&HQ. Đặc biệt, cần hình thành thói quen SD NLTK&HQ trong mọi hoạt động xã hội, giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, đưa tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng.
 

Chương trình quốc gia về SD NLTK&HQ đã đề ra 9 nhóm giải pháp gồm: Rà soát xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về SD NLTK&HQ; Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh SD NLTK&HQ; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và SD NLTK&HQ; Tăng cường năng lực về SD NLTK&HQ; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về SD NLTK&HQ; Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về SD NLTK&HQ; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thí điểm thành lập Quỹ thúc đẩy SD NLTK&HQ.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt NamCách tiếp cận mới về an ninh năng lượng

tiet kiem nang luong su song con cua nen kinh te

Tiếp cận an ninh năng lượng truyền thống là trọng cầu không trọng cung, đáp ứng nhu cầu bằng mọi giá. Đặc biệt, nguyên lý cân bằng thị trường thông qua giá cả không được coi trọng. Với tình hình mới hiện nay, cách tiếp cận đó không còn phù hợp. Bởi vậy, cần xác định cơ chế điều tiết và chỉ ra căn nguyên thiếu hụt năng lượng tại Việt Nam.

Về căn nguyên thiếu hụt năng lượng, nền kinh tế nước ta dựa trên nền tảng công nghiệp lạc hậu, gia công, lao động giá rẻ. Cùng với đó, nền kinh tế nặng tính “xin - cho”, “chia đều sự thiếu hụt”, cơ chế phi thị trường, trong phân bố nguồn lực.

Chính vì vậy, cơ chế điều tiết cần thay đổi về phía cầu (tiêu thụ) năng lượng gắn với hiệu quả sử dụng năng lượng. Cần phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực tiêu dùng năng lượng có giá trị cao, hiệu quả cao đến tận các cơ sở sử dụng năng lượng. Cần tập trung vào cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực, sự điều tiết qua giá cả sẽ ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng.

So với mức tiêu thụ điện trung bình trên thế giới, tiêu thụ điện bình quân đầu người Việt Nam vẫn thấp (tiêu thụ năng lượng bằng 30-35%, tiêu thụ điện bằng 60%). Đáng chú ý, tốc độ tăng sử dụng năng lượng và điện của Việt Nam luôn cao hơn 2-3 lần tốc độ tăng năng suất lao động. Điều đó chỉ ra rằng, Việt Nam đang tồn tại sự lãng phí năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng để làm ra của cải vật chất thấp so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
 

Trong thời điểm hiện tại, giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu thế chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam có thể xảy ra. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiến lên kịp với mức tiêu dùng năng lượng của các nước đang phát triển, xóa bỏ công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng…

Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có chiến lược ưu tiên cho công nghệ sản xuất năng lượng hiệu quả và bền vững, công nghệ sử dụng tiết kiệm năng lượng và dịch chuyển cơ cấu năng lượng hướng tới năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Tôi cho rằng, cần phải có một cách tiếp cận mới về an ninh năng lượng, trong đó cần điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng cả phía cung và phía cầu, dựa trên cơ chế thị trường. Tư duy hiện đại hóa phải là tư duy chi phối với việc thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị hóa và định hướng đô thị thông minh. Đặc biệt, phát triển năng lượng cần dựa vào khu vực tư nhân và tuân thủ nguyên tắc thị trường: Cạnh tranh và công khai, minh bạch.

Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Ngân hàng Thế giới Chu Bá Thi: Kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tiết kiệm năng lượng

tiet kiem nang luong su song con cua nen kinh te

Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả là sự sống còn của các quốc gia đang phát triển. Chính phủ các nước đưa ra các mô hình, khuyến khích và hỗ trợ cụ thể đối với tiết kiệm năng lượng.

Trung Quốc đưa ra mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng như giảm cường độ năng lượng bắt buộc từng giai đoạn, như từ năm 2006-2010 là 20%, 2011-2015 là 16% và từ 2016-2020 là 15%. Giảm cường độ carbon 40-45% từ năm 2005-2020. Các mục tiêu đó được phân bổ đến các tỉnh, thành phố, đến 100 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Vì đây là việc bắt buộc nên các địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và giải trình cụ thể để đạt được mục tiêu.

Tại Ấn Độ, bên cạnh việc thiết lập và phân bổ mục tiêu tiết kiệm năng lượng cho hầu hết các ngành công nghiệp, Chính phủ còn cho phép mua bán các chứng chỉ tiết kiệm năng lượng để đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia theo cách có chi phí thấp nhất. Cụ thể, các doanh nghiệp không đạt mục tiêu có thể bỏ tiền mua lại chứng chỉ của các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng tốt hơn. 

Tương tự, Vương quốc Anh thiết lập các mục tiêu tiết kiệm năng lượng cho các công ty điện lực, công ty khí và cho phép các công ty mua bán chứng chỉ tiết kiệm năng lượng với nhau.
 

Để các mô hình này đi vào vận hành hiệu quả, đạt các mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia đã đề ra, cần phải có sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng dành cho Việt Nam các khoản hỗ trợ, bảo lãnh rủi ro đối với mô hình kinh doanh tiết kiệm năng lượng theo cơ chế thị trường.

Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Dầu khí Việt Nam Lê Hồng NguyênTối ưu hóa năng lượng với lò đốt, lò hơi

tiet kiem nang luong su song con cua nen kinh te

Lò đốt, lò hơi là những thiết bị tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất trong các nhà máy lọc hóa dầu nói riêng, các nhà máy sản xuất công nghiệp nói chung. Tối ưu năng lượng để nâng cao hiệu quả của các lò đốt là biện pháp cần thiết để tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ra môi trường. Điều này vừa mang lại lợi ích kinh tế cho các nhà máy, vừa phù hợp với chiến lược và chủ trương sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm của Chính phủ.

Nhóm tác giả Viện Dầu khí Việt Nam đã tiến hành đánh giá thực trạng, tính toán hiệu suất nhiệt, phân tích khả năng tối ưu hóa năng lượng, đề xuất giải pháp tối ưu và tính toán hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cho hai đối tượng nghiên cứu là lò hơi của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và lò đốt của Phân xưởng NHT - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo đó, với chi phí đầu tư khoảng 76 nghìn USD, chi phí tiết kiệm được trong 1 năm vận hành hơn 57 nghìn USD, năng lượng tiết kiệm được khoảng 123kWh điện, tiết kiệm nguyên liệu 643 thùng FOE.

Với thực tế vận hành hiện tại, việc nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt hệ thống lò hơi đã góp phần giảm chi phí vận hành bảo dưỡng của các nhà máy.
 

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn QuânChú trọng chuyển giao công nghệ

tiet kiem nang luong su song con cua nen kinh te

Có thể nói, phát triển năng lượng, an ninh năng lượng là sự sống còn của một quốc gia đang công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả là vấn đề mà quốc gia nào cũng phải đặt ra. Trong những năm tăng trưởng “nóng” vừa qua, Việt Nam tăng trưởng năng lượng tương đối lớn, cao hơn tăng GDP. Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại việc tăng trưởng này để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Thực tế, chúng ta dành 30% năng lượng cho chiếu sáng. Nếu chỉ tiết kiện được một nửa năng lượng này thì tương đương xây dựng được một nhà máy điện hạt nhân cỡ 4.000 MW. Tương tự, chúng ta đang dùng hơn 10 triệu máy điều hòa không khí, nếu mỗi máy điều hòa có hệ thống điều khiển thông minh, tiết kiệm được 10% lượng điện, là có thể tiết kiệm được lượng điện lớn cho nền kinh tế. Cần biết, máy điều hòa không khí với nhiệt độ tối thiểu 26oC sẽ khác rất với tối thiểu 18oC.

Tôi cũng thấy rằng, sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp về tiết kiệm điện còn thấp. Giới khoa học cũng ít quan tâm nghiên cứu tiết kiệm năng lượng. Tôi được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có chương trình KC05, là chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về nghiên cứu năng lượng nói chung. Trước đây có 2 mảng lớn là năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, sau này chúng ta dừng chương trình điện hạt nhân nên chỉ có năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Công trình khoa học thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.
 

Ngay ở các bộ, ngành cũng rất ít đề tài nghiên cứu sử dụng năng lượng hiệu quả. Bởi vậy, tôi mong rằng trong thời gian tới, Bộ KH&CN tập trung hơn vào các đề tài nghiên cứu, ứng dụng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Gần đây có sự bùng nổ dự án điện mặt trời, điện gió từ khi có chính sách mới về năng lượng tái tạo. Nhưng chúng ta cũng phải ngay lập tức bắt tay vào nắm bắt công nghệ và chuyển giao công nghệ của các nguồn năng lượng này. Trước đây, chúng ta không quan tâm đến chuyển giao công nghệ, chỉ quan tâm đến tiếp nhận hệ thống máy móc, đầu tư mà không làm hợp đồng chuyển giao công nghệ. Theo Luật Chuyển giao công nghệ 2017, phải có hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại Bộ KH&CN để theo dõi, quản lý và hỗ trợ. Các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đến hợp đồng chuyển giao công nghệ để từ đó tiếp nhận, làm chủ công nghệ, đưa các dự án vào hoạt động hiệu quả nhất.

Đã qua rồi cái thời thu hút các dự án FDI vào Việt Nam bằng mọi giá. Ngày nay, chúng ta có quyền đặt điều kiện để các dự án FDI vào Việt Nam phải chuyển giao công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ, để người Việt tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tiếp nhận và làm chủ công nghệ.

Thành Công (https://petrotimes.vn)

 

 

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google