Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức trong suốt 11 năm qua. Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2019 với khẩu hiệu “Tiết kiệm năng lượng, Bảo vệ Trái đất” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng tích cực hành động bảo vệ “mái nhà chung” là hành tinh sống của con người.

Thông tin tại hội thảo cho biết, một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay là tầng ozon-trung tâm bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi bị bức xạ tia cực tím gây hại, đang bị tàn phá nghiêm trọng. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong việc loại bỏ sử dụng các tác nhân gây suy giảm tầng Ozon.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn thông tin, Việt Nam là nước không sản xuất ra chất làm suy giảm tầng ozon. Trước đây, chỉ nhập khẩu để thực hiện chữa cháy đưa vào bình chữa cháy, hoặc đưa vào thiết bị làm lạnh điều hòa không khí hay thiết bị sử dụng làm lạnh…Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hải quan, cơ quan chức năng khác ngăn tất cả trường hợp không được phép chuyển chất suy giảm tầng ozon vào sử dụng tại Việt Nam, chỉ trường hợp đặc biệt như phòng cháy chữa cháy được cấp phép thì mới được cấp mới.

Nhận diện thiết bị tiết kiệm năng lượng nhờ dán nhãn năng lượng

Quang cảnh cuộc tọa đàm.

Còn theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, từ năm 2008, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn năng lượng Việt Nam và chương trình dán nhãn năng lượng theo tinh thần tự nguyện; đến năm 2013, áp dụng hình thức dán nhãn năng lượng buộc áp dụng cho 15 nhóm sản phẩm. “Dán nhãn năng lượng là giải pháp hiệu quả giúp nhận diện, định hướng người tiêu dùng sử dụng thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp làm giảm thải các chất khí gây tác động tới tầng ozon. Bên cạnh đó, nhãn dán năng lượng là giải pháp tiết kiệm tài chính tối đa cho mỗi gia đình”- ông Trịnh Quốc Vũ cho biết.

Ông Trịnh Quốc Vũ thông tin, hiện trên thị trường có hai loại nhãn dán năng lượng. Loại thứ nhất là nhãn so sánh, cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại, được hiển thị tương ứng với 5 cấp hiệu suất năng lượng, từ 1- 5 sao. Số sao càng lớn, càng có hiệu suất tốt.

Loại thứ hai là nhãn xác nhận, chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào hai loại nhãn dán này để đưa ra sự lựa chọn thông minh và phù hợp.

Nhận diện thiết bị tiết kiệm năng lượng nhờ dán nhãn năng lượng
Dán nhãn năng lượng trên sản phẩm điều hòa của Daikin.

Thông tin từ hội thảo cho thấy, việc dán nhãn năng lượng giảm được đáng kể điện năng tiêu hao, giảm khí phát thải nhà kính phá hoại tầng Ozone cũng như sự nóng lên của trái đất. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kể từ khi Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc áp dụng từ ngày 1-7-2013 đến tháng 6-2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.

Báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm. Theo báo cáo của tổ chức CLASP (Mỹ), tới năm 2017, gần như toàn bộ 100% các sản phẩm điều hòa tại Việt Nam đã được dán nhãn trên thị trường; số mẫu đạt 4 sao và 5 sao chiếm 62,8%.

Tin, ảnh: KHÁNH LINH