Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại... Với tầm quan trọng này, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh và đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu.
Theo báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có nhiều kết quả tích cực từ xây dựng cơ chế, chính sách đến nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh. Theo đó, Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh.
Cụ thể, ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh. Chiến lược tăng trưởng xanh được triển khai hiệu quả trong từng lĩnh vực cụ thể.
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, quy hoạch tổng thể ngành Điện, các nhà máy điện; Quy hoạch tổng thể các ngành, phân ngành công nghiệp, đặc biệt là những phân ngành và cơ sở tác động mạnh tới môi trường nhằm phát triển ngành bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách hiệu quả.
Đặc biệt, đã xây dựng Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Xây dựng khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống; Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tư liệu sản xuất và thiết bị tiêu dùng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp cũng đã ban hành Luật Thủy lợi, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và quy định tiêu chuẩn “xanh” cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã được ban hành ứng dụng và mang lại hiệu quả thực tế cho sản xuất, kinh doanh.
Ngành Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 - 2020; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh...
Cùng với đó, các hoạt động hoàn thiện thể chế và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh được thực hiện thông qua việc xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ở các bộ và địa phương. Thống kê cho thấy, đến hết năm 2018, đã có 7 bộ đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Đến nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố.
Đến nay, việc triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của nước ta đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần, như: Ngành Thép giảm 8,09%; xi măng giảm 6,33%; dệt sợi giảm 7,32%.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư. Cụ thể, cần hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Đồng thời, xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách tài chính (bao gồm: Thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân chuẩn bị và thực hiện dự án tăng trưởng xanh.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh. Cùng với đó, các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện, nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra vào năm 2020...
Hương Giang (Tạp chí Tài chính Việt Nam)
06 - 08 - 2019
06 - 08 - 2019
31 - 07 - 2019