Quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Nhằm giải quyết cân bằng mối quan hệ giữa phát triển và môi trường, xu hướng tăng trưởng xanh (TTX) đang là xu hướng toàn cầu. Tại Việt Nam, chiến lược TTX cũng đã được khẳng định trong giai đoạn 2014-2020(1).

Có rất nhiều cách thức để đi đến đích TTX, tuy nhiên quản lý phát triển đô thị (QLPTĐT) chiếm một vị trí rất quan trọng vì đô thị chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên những vấn đề về môi trường và phát thải (mặc dù các thành phố chỉ chiếm 0,4% bề mặt trái đất nhưng đó là nơi phát ra 70% khí nhà kính. Theo sự phát triển của đô thị trên thế giới, các thành phố phải chịu trách nhiệm cho sự phát thải lên đến 76% trước năm 2030 [8]. Ngoài ra, thành phố chính là động lực của phát triển kinh tế. Có thể nói rằng TTX chính là đích đến, là mục tiêu cần đạt được trong khi (QLPTĐT) chính là một trong những cách thức để đi đến mục tiêu đó. Bài viết sẽ đi vào phân tích nội dung của TTX, những nội dung QLPTĐT sẽ được đề xuất để đạt được mục đích này. Bài báo cũng sẽ thảo luận về vấn đề trong QLPTĐT tại Việt Nam để có thể theo đuổi mục tiêu TTX.

Tăng trưởng xanh

Phương án quy hoạch tổng thể cho Quận Jurong Lake Singapore theo hướng TTX. Nguồn Internet
 

Mặc dù có rất nhiều quan điểm, thảo luận về TTX được đưa ra từ các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành cũng như từ các chuyên gia, định nghĩa chính thức về TTX vẫn chưa thực sự ngã ngũ. Một số “khái niệm” ban đầu được đề cập là:

– “TTX là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, trong khi tài sản tự nhiên vẫn sẽ được đảm bảo để tiếp tục cung cấp nguồn lực và các dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của con người. Để làm được điều này, cần có công nghệ và sự đầu tư làm chất xúc tác để tạo ra cơ sở cho sự phát triển bền vững và tạo những cơ hội kinh tế mới(2)”[9]. Định nghĩa này đề cập đến hai khía cạnh mà các đô thị phải đối mặt: i) tạo ra nguồn lực mới để thay thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc tiêu thụ năng lượng, phát thải khí nhà kính, giao thông đô thị, chất tải về môi trường… và ii) các chính sách để điều tiết, định hướng các hoạt động trong đô thị. Bàn về TTX, Reilly (2012) cho rằng thúc đẩy Kinh tế xanh thể hiện ý tưởng chỉ đạo nền kinh tế theo hướng công nghệ và áp dụng các mô hình tiêu thụ mà qua đó nó giúp tạo ra nhiều công việc và tăng trưởng kinh tế song song với việc giảm thiểu tác động đến môi trường [1].

– Trong mối liên hệ gần gũi hơn với các vấn đề đô thị, TTX được định nghĩa là “Đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các hoạt động đô thị nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực về môi trường và tác động đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ môi trường”.

– Nhiều nhà khoa học thống nhất giải thích TTX thông qua tách biệt ngữ nghĩa: Xanh (Green), có nghĩa là xanh hóa các hoạt động của đô thị (đến từ cả khu vực tư nhân và nhà nước). Xanh hóa là giảm tác động tiêu cực đến môi trường và tập trung xanh hóa trong sử dụng đất, giao thông, xây dựng công trình, năng lượng, chất thải và nước. Tăng trưởng (Growth) đề cập đến tăng trưởng GDP, nhưng cũng là nâng cao chất lượng sống. Vì vậy, Green Growth- TTX: tập trung vào thiết kế, kiểm soát hoạt động tại các đô thị là chủ yếu vì đây là nơi chịu trách nhiệm chính về các vấn đề xuống cấp môi trường với mức độ tiêu thụ năng lượng rất lớn nhưng cũng là nơi đóng góp vào sự tăng trưởng GDP thông qua số lượng lớn các hoạt động phát triển kinh tế.
TTX ở một khía cạnh nào đó được sử dụng đồng nhất với khái niệm nền kinh tế xanh và nói chung không có sự phân biệt rõ ràng hai khái niệm này. Cả hai khái niệm này đều thể hiện một nỗ lực toàn cầu để chuyển đổi mô hình kinh tế không bền vững hiện tại theo hướng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Định nghĩa TTX còn được đề xuất bởi Armand Kasztelan [1] là tăng trưởng kinh tế góp phần sử dụng hợp lý vốn tự nhiên, ngăn ngừa và giảm ô nhiễm, tạo cơ hội cải thiện phúc lợi xã hội tổng thể bằng cách xây dựng nền kinh tế xanh, và cuối cùng làm cho nó có thể bước vào con đường hướng tới sự phát triển bền vững. Cách định nghĩa này nhấn mạnh sự toàn vẹn của bộ ba: TTX – kinh tế xanh – phát triển bền vững. Nền kinh tế xanh dựa vào 2 nguồn lực: i) nguồn lực tự nhiên (nguồn lực “xanh” – green) như nông nghiệp, nghề cá, rừng, quản lý nước; ii) nguồn lực/hay còn gọi là vốn được tạo ra bởi con người (nguồn lực “nâu” – brown) như giao thông, năng lượng, vật phẩm có tiềm năng tiết kiệm năng lượng và nguồn lực.

Ở một số quốc gia, chiến lược TTX được cụ thể bằng chiến lược phát triển carbon thấp (low-carbon strategy) hoặc chiến lược tiêu thụ năng lượng bằng 0 (zero-energy). Tuy nhiên, những chiến lược này tập trung vào vấn đề giảm phát thải và giảm tiêu thụ năng lượng trong khi TTX là một chiến lược tổng quát và phủ trên nhiều nội dung hơn. Tại một số nước, xu hướng TTX còn gắn với mục tiêu phát triển đô thị thông minh, hoặc sinh thái…. Trong khi đó, giải pháp xanh (“green solution”) được nhiều quốc gia đưa ra như một chiến lược chung có sự kết hợp giữa các mục tiêu TTX, kinh tế xanh (KTX), phát triển bền vững (PTBV).

TTX được cho là một phần của phát triển bền vững (khái niệm TTX hẹp hơn so với phát triển bền vững, nó tập trung vào nội dung tăng trưởng kinh tế và môi trường, trong khi phát triển bền vững cần đạt được cả 3 trụ cột là Kinh tế – xã hội – môi trường) (hình 1). TTX tập trung vào 3 lĩnh vực: Tối ưu hóa nguồn tài nguyên và môi trường (sử dụng nguồn lực này tối ưu và năng suất nhất); các chính sách “Xanh”, cơ hội kinh tế phát sinh từ việc xanh hóa nền kinh tế.

So sánh nội dung phát triển bền vững và TTX, Source: OECD, 2011b
 

TTX tại Việt Nam đang gắn với các vấn đề về phát triển hiệu quả hạ tầng đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong dự thảo Chiến lược TTX của Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra quan điểm chiến lược “TTX ở Việt Nam là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”.

Như vậy, về cơ bản, mục tiêu của TTX chính là làm sao để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt nguồn năng lượng hóa thạch trong các hoạt động kinh tế và hoạt động đô thị. Rất nhiều các bài báo, nghiên cứu đã chỉ ra cách thức nhằm hướng đến mục tiêu này có thể dựa trên nguyên tắc: Compact – Integrated – Connected (Nhỏ gọn/ Nén – Tích hợp – Kết nối) [10]. Cụ thể trong lĩnh vực đô thị gồm: i) đổi mới phát huy nguồn lực đất đai trong đô thị thông qua đổi mới hoặc tối ưu hóa hiệu quả của bản quy hoạch sử dụng đất đô thị, cung cấp một mạng lưới đường phố kết nối với hạ tầng an toàn, hiệu quả dễ chịu, khuyến khích đi bộ, đi xe đạp; Thúc đẩy tăng trưởng đô thị mật độ cao, giảm bớt sự phát triển lan tỏa không kiểm soát (urban sprawl) – phát huy mô hình đô thị nén (compact city) ở quy mô đô thị hoặc khu đô thị hỗn hợp, tổ hợp sử dụng hỗn hợp (quy mô khu vực và nhóm công trình) để tập trung các chức năng đô thị trong một khoảng cách tối ưu nhất và hạn chế giao thông đô thị không cần thiết; ii) tăng cường giao thông công cộng, giảm thiểu giao thông cá nhân, khuyến khích giao thông đi bộ hoặc xe đạp (điều này liên quan đến mô hình quy hoạch khu ở để tạo ra những không gian ở hiệu quả trong khoảng cách đi bộ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào ô tô); iii) tập trung tạo ra nhiều không gian xanh trong đô thị gia tăng chất lượng sống đô thị; iv) xây dựng công trình xanh trong đô thị (khai thác chiếu sáng và thông gió tự nhiên thay vì lạm dụng thiết bị có tiêu thụ năng lượng hóa thạch hoặc điện, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, sử dụng nhiều hơn các công nghệ xanh, thiết kế “xanh”…); v) tập trung các vấn đề công bằng xã hội: Thúc đẩy công bằng, đa dạng và bền vững xã hội và phát triển cộng đồng theo những cách có hiệu quả về kinh tế. Cung cấp đa dạng các lô đất và các loại nhà ở để phục vu nhu cầu nhà ở của cộng đồng, với mật độ có thể hỗ trợ cho cung cấp các dịch vụ địa phương; vi) Ngoài ra, các giải pháp về tạo năng lượng sạch trong đô thị (năng lương mặt trời, năng lượng sinh học…) xử lý nguồn nước cấp nước thải, và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế dựa vào dịch vụ đô thị thay vì kinh tế khai thác, các chính sách hỗ trợ khác về kinh tế, quản lý thị trường và sản phẩm dịch vụ, chính sách về tài chính, đánh thuế.

Quản lý phát triển đô thị

Phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể từ sau thời kỳ đổi mới đất nước (1986) với quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh. Hệ thống đô thị đã phát triển, chất lượng đô thị và chất lượng cuộc sống đã tăng lên đáng kể. Cuối năm 2017, cả nước đã có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa chiếm 37.5% và đóng góp đến 70% GDP cả nước. Bên cạnh những thành công, các đô thị Việt Nam cũng đang gặp phải các vấn đề như: phát triển đô thị không đồng đều, không đồng bộ về kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng cuộc sống; môi trường đô thị xuống cấp cũng như các nguồn lực đất đai đô thị chưa được phát huy hiệu quả. Các nguyên nhân gây ra vấn đề này là: (i) quá trình đô thị hóa tại Việt Nam xảy ra nhiều năm trước quá trình công nghiệp hóa, khiến cho mô hình và tư duy đô thị gặp nhiều khủng hoảng. Từ đó dẫn đến sự phát triển ngược của hệ thống đô thị với các vấn đề như căn bệnh đầu to, kiến trúc thiếu đồng bộ, giao thông tắc nghẽn, di dân tự do…; (ii) Hệ thống quy hoạch đô thị không được thực hiện trên thực tế theo đúng định hướng của nó. Các đô thị chủ yếu tập trung vào thực hiện quy hoạch chi tiết, dự án đô thị để đáp ứng nhu cầu trước mắt hơn là quan tâm đến quy hoạch chung đô thị và quy hoạch vùng; (iii) Thiếu sự liên kết giữa các dự án phát triển đô thị và với hệ thống khung hạ tầng đô thị. Phổ biến là thiếu đồng bộ khớp nối giữa hạ tầng bên trong hàng rào khu vực sản xuất, kinh doanh với hạ tầng bên ngoài hàng rào hoặc với hạ tầng các vùng nông thôn xung quanh, giữa hạ tầng kinh tế – kỹ thuật với hạ tầng văn hóa-xã hội; (iv) đô thị hóa thiếu sự chuẩn bị, thiếu định hướng, chọn lọc do những bất cập trong công tác quy hoạch và hạn chế năng lực quản lý; (v) xây dựng công trình đô thị không có sự liên thông và kết nối với các yếu tố cấu thành đô thị (giao thông, hạ tầng) [7], [5].

Công cụ để QLPTĐT hiện nay: i) sử dụng các văn bản pháp luật (luật, nghị định, thông tư, các văn bản quản lý dưới luật) và các chương trình, chính sách phát triển theo từng giai đoạn để định hướng và tạo cơ sở pháp luật thực hiện và quản lý hoạt động phát triển đô thị; ii) hệ thống quy hoạch không gian đô thị gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để định hướng khung phát triển đô thị (chỉ tiêu phát triển cơ bản, chức năng chính, khung hạ tầng…) và là cơ sở triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị trên thực tế; iii) các chỉ tiêu quản lý chuyên ngành; iv) quản lý theo các chức năng đô thị hoặc các khu vực chức năng đô thị (hệ thống khu đô thị mới, khu tái phát triển, khu bảo tồn, các loại cấp đô thị có những cách quản lý và yêu cầu quản lý khác nhau; v) quản lý các vấn đề (chủ yếu là bức xúc) của đô thị… Các công cụ này hướng tới việc không chỉ quản lý được các vấn đề tổng thể mà còn có thể kiểm soát được các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên trên thực tế, quản lý thường được thực hiện chủ yếu ở các lát cắt dọc (theo từng nhiệm vụ riêng biệt) trong khi bản chất của quá trình quản lý đô thị lại đòi hỏi sự kiểm soát được các vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nghĩa là quản lý cần đảm bảo cả việc kiểm soát được các lát cắt ngang. Chính vì vậy, các vấn đề đô thị có thể được giải quyết rất gọn ghẽ ở các lát cắt dọc nhưng lại không hỗ trợ nhiều và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến các lát cắt ngang khác. Điều này thể hiện ở sự chồng chéo và không hiệu quả trong quản lý tổng thể đô thị. Hạn chế về năng lực quản lý từ các cơ quan quản lý cũng gây ra nhiều cản trở trong quá trình phát triển đô thị. Đô thị muốn phát triển hài hòa và bền vững cũng giống như một cơ thể con người cần có sự vận hành hài hòa của rất nhiều bộ máy, nhưng các bộ máy này không được tách biệt nhau mà ràng buộc hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau. Có thể quản lý được mối quan hệ giữa các nội dung/ vấn đề của đô thị chính là nền tảng để quản lý phát triển đô thị bền vững.

Quá trình QLPTĐT gồm nhiều giai đoạn và tuân theo một quy trình cơ bản: i) hoạch định kế hoạch; ii) xây dựng và vận hành; iii) duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp điều chỉnh và phát hiện được những nhu cầu phát triển mới. Và sau đó chu trình này sẽ lại tiếp tục lặp lại theo một mức cao hơn. Có thể nói, QLPTĐT cũng giống như là quản lý quá trình hoạch định-xây dựng-vận hành-điều chỉnh-nâng cấp một “dự án” hoặc một “đại dự án” ở các quy mô nhỏ (công trình đơn lẻ, tổ hợp công trình), vừa (dự án phát triển khu đô thị 100-200 ha, dự án phát triển một quận huyện), lớn (dự án phát triển của cả thành phố, dự án phát triển quốc gia). Tùy vào quy mô, tính chất và yêu cầu quản lý đòi hỏi sự phức tạp và tác động nhiều hơn.

Trong bối cảnh đô thị hóa như hiện nay, với nhu cầu tăng trưởng được thể hiện ở rất nhiều nội dung: tăng trưởng kinh tế, gia tăng sự tích tụ dân số, chất lượng môi trường, nâng cấp chất lượng đô thị… Nhu cầu này dẫn đến QLPTĐT trước tiên phải nghĩ đến việc xây dựng/hoàn thiện mô hình đô thị đạt tiêu hiệu quả về quy mô dân số đô thị, sử dụng đất, đảm bảo chất lượng môi trường và nâng cấp chất lượng hạ tầng khung. Có thể nói, nhu cầu này sẽ thể hiện khác nhau và được quản lý khác nhau ở hai loại hình phát triển đô thị cơ bản: dự án đầu tư phát triển khu/khu vực đô thị mới (phát triển mới) và dự án tái thiết đô thị (chỉnh trang). Ở mỗi loại dự án, vấn đề QLĐT cần đi vào đầy đủ các nội dung về quản lý môi trường, xã hội, tài chính, sự tăng trưởng, sự tích tụ dân số, sử dụng đất…

Ngày nay, trên thế giới đang đề cập đến khái niệm quản lý thành phố (city management) hay là quản trị thành phố (city government) để làm rõ nội hàm của công tác quản lý phát triển đô thị. Quản trị thành phố được cho là một xu hướng gắn với thời đại phát triển thông tin và kết nối. Quản trị là một quy trình không chỉ điều chỉnh/kiểm soát/quản lý các vấn đề đô thị dựa trên hệ thống các dữ liệu mà còn điều phối các bên liên quan thông qua sự tham gia của công chúng. Mục tiêu của quản trị thành phố có thể kiểm soát được các vấn đề theo lát cắt ngang và dọc dựa trên dữ liệu chuẩn, thống nhất và sự hợp tác giữa nhà nước – cộng đồng.

Nguyên tắc để quản trị tốt thành phố: (i) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị; (ii) Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng: sự tham gia của cộng đồng cần được thiết lập trong các công cụ quản lý về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch dự án phát triển hay tái thiết đô thị để hỗ trợ sự tham gia và giám sát công khai từ cộng đồng. Trong kỷ nguyên phương tiện truyền thông mới, sự tham gia của công chúng không còn là lựa chọn, mà là một yêu cầu tiêu chuẩn trong quản trị thành phố và cộng đồng; (iii) Minh bạch thông tin là tiền đề quan trọng để có được sự tin tưởng và phối hợp tốt từ cộng đồng; (iv) thiết lập mối tương tác giữa cộng đồng và những người tham gia quá trình phát triển đô thị (urban actors) như chính quyền địa phương, các tổ chức, khu vực tư nhân để tạo ra sự hợp tác hiệu quả [2]. Tại Nhật Bản, quản lý phát triển đô thị có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong hai dự án phát triển đô thị cơ bản gồm dự án tái điều chỉnh đất và dự án tái thiết đô thị (urban land readjustment project, urban renewal projects). Theo đó, Nhà nước quản lý Khung đô thị (bằng các văn bản luật, quy định chính sách phát triển, các bản quy hoạch tổng thể thành phố), còn khu vực tư nhân (private sector) (cộng đồng) quản lý quy hoạch chi tiết trong khu vực của họ. Sự phối hợp này được thực hiện thông qua cơ chế công khai, minh bạch và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Sự tham gia của cộng đồng được đẩy lên là một bước quan trọng để giúp vận hành và quản trị sự phát triển của đô thị.

Quản lý phát triển đô thị theo hướng Tăng trưởng xanh

Xác định mô hình và chiến lược phát triển đô thị hiệu quả, hoàn thiện khung quản lý phát triển đô thị rất quan trọng để định hướng chung cho các hoạt động đầu tư phát triển sau đó. Các ý tưởng “xanh” được lồng ghép vào Khung này như một sự hoàn thiện “cơ thể” đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững.
Về xây dựng mô hình/chiến lược phát triển đô thị và khung quản lý phát triển đô thị:

Tùy vào đặc điểm bối cảnh văn hóa, kinh tế, xã hội, vị trí và tiềm lực phát triển của từng đô thị, cần tìm ra một mô hình phát triển phù hợp với đô thị để đảm bảo tối ưu hóa khai thác nguồn lực sẵn có.

Quy hoạch không gian đô thị (QH vùng, QH chung đô thị, QH phân khu, QH chi tiết) phải là định hướng thực sự cho hoạt động đầu tư phát triển đô thị. Điều đó nghĩa là các loại quy hoạch này cần được lập, quản lý và thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo khung cơ sở của đô thị hơn là một hình thức pháp lý như hiện nay (Thực tế quy hoạch không đóng góp nhiều trong định hướng bộ mặt cảnh quan và hoạt động phát triển đô thị, mà chủ yếu thiên về chức năng pháp lý để xin hoặc cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng, tạo sự “hợp lý hóa” cho các hoạt động xây dựng đang không được kiểm soát [4]). Kế hoạch hay chương trình phát triển đô thị cần ưu tiên cho các hạng mục lập quy hoạch khung và hạ tầng khung cơ sở. Điều này không thực sự dễ dàng khi hệ thống dữ liệu cơ sở đô thị hiện nay vẫn thiếu và yếu. Đồng thời nhu cầu thực tế của người dân cũng như từ các dự án đầu tư phát triển đô thị của những nhà đầu tư đang tạo nên sức ép lớn cần giải quyết trong giai đoạn ngắn hạn. Vì vậy, bên cạnh những tầm nhìn quy hoạch trên, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị, kiểm soát các vấn đề đô thị, thử nghiệm những mô hình phát triển cần được thực hiện song song để đúc rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện dần khung quản lý cơ sở.

Bên cạnh chú trọng thiết lập Khung quản lý phát triển đô thị, những khung chính sách cho phép điều tiết, kiểm soát các phát triển theo nhu cầu thị trường cũng cần được chú trọng để khai thác nguồn lực đầu tư từ xã hội cũng như khai thác nguồn lực của đô thị hiệu quả hơn.

Thực hiện các dự án phát triển và dự án tái thiết thí điểm các nội dung quản lý mới nhằm học tập những kinh nghiệm thực tế, từ đó kịp thời rà soát và nâng cấp các chiến lược quản lý phát triển đô thị và nhân rộng.

Về lồng ghép ý tưởng xanh vào quản lý phát triển đô thị:

Theo các giai đoạn quản lý: Giai đoạn định hướng xây dựng chính sách và khung quản lý đô thị: Xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng hiệu quả nguồn lực tự nhiên và nguồn lực của đô thị (như đất đai đô thị, không gian đô thị…). Xây dựng chính sách khuyến khích thí điểm các dự án áp dụng giải pháp “xanh”; Giai đoạn vận hành đô thị: Áp dụng các chỉ tiêu TTX để kiểm soát và điều chỉnh tại các quy mô quản lý đô thị và các khu vực chức năng đô thị khác nhau; Giai đoạn bảo trì, nâng cấp: Rà soát đánh giá hiệu quả thực tiễn và điều chỉnh nâng cấp các chỉ tiêu áp dụng, thay đổi mô hình đô thị nếu cần thiết….

Khuyến khích các chính sách “xanh”:

– Thiết lập chính sách khuyến khích và định hướng xu hướng tăng trưởng xanh
Xây dựng những chiến lược, chương trình định hướng TTX đô thị; xây dựng chính sách về kích thích khu vực tư nhân, nhà nước đầu tư, quan hệ đối tác công tư và các sáng kiến sử dụng hoặc áp dụng giải pháp xanh, công nghệ xanh vào quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế công trình, quy trình kiểm soát giám sát quản lý xây dựng đô thị đảm bảo không gây nhiều phát thải ra môi trường (tiêu chuẩn/tiêu chí công trình xanh, kiến trúc xanh; chỉ số kiểm soát TTX trong đô thị….).

Chính sách khuyến khích nghiên cứu và áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sạch khác trong các công trình đô thị.
– Cấp chứng chỉ/ chứng nhận xanh và ưu đãi cho những nhà đầu tư thực hiện giải pháp xanh trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình.

– Giải pháp xanh trong dự án phát triển và tái thiết đô thị

Đối với xây dựng dự án đô thị mới:

  • Nghiên cứu và áp dụng mô hình quy hoạch đô thị phù hợp với các loại đô thị khác nhau (quy mô, cấp, tính chất, chức năng đô thị) để đảm bảo hiệu quả tối ưu về sử dụng đất, tiết kiệm giao thông đô thị, vận hành hạ tầng đô thị hiệu quả.
  • TTX sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu hơn khi tích hợp/lồng ghép với các giải pháp về quy hoạch và vận hành đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị bền vững…
    Đối với dự án tái thiết đô thị trong khu vực đô thị hiện hữu:
  • Áp dụng/ thay thế công nghệ xanh trong các công trình xây dựng hiện hữu có kế hoạch giữ lại.
  • Dự án tái thiết nên áp dụng giải pháp tái điều chỉnh đất phù hợp (có thể nghiên cứu mô hình đô thị nén, thiết kế cao tầng hiệu quả, khuyến khích chức năng sử dụng hỗn hợp), để tối ưu hóa quỹ đất có hạn. Giải pháp hạ tầng, kết nối hạ tầng, giao thông đô thị là một giải pháp quan trọng để đạt được hiệu quả sử dụng đất. Việc chia sẻ chi phí cũng như hạ tầng giữa các dự án phát triển, tái phát triển lẫn nhau có thể giảm chi phí và gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực đô thị, gây ít ảnh hưởng đến tiêu thụ năng lượng.

Từng bước nâng cấp công tác quản lý, chuyển từ quản lý sang quản trị đô thị thông qua các mạng lưới thông tin từ cơ sở.

Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan và nhân viên quản lý đô thị. Nâng cao năng lực của chính quyền quản lý đô thị và các bên liên quan, cũng như kêu gọi sự hỗ trợ từ phía cộng đồng

Kết luận:

Hướng TTX đã được thống nhất lựa chọn để trở thành đích đến trong giai đoạn ngắn hạn trước khi đạt được mục tiêu dài hạn PTBV. Áp dụng TTX ở mỗi quốc gia là khác nhau tùy vào đặc điểm giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực con người – xã hội; Việc nghiên cứu kịch bản TTX áp dụng cho mỗi nước, mỗi khu vực đô thị là rất quan trọng để đảm bảo tình khả thi…

QLPTĐT hướng tới TTX trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay cần tập trung vào việc nghiên cứu mô hình phát triển đô thị phù hợp với đặc trưng từng loại và chức năng đô thị, hoàn thiện khung quản lý và lồng ghép mục tiêu TTX vào các dự án phát triển đô thị cơ sở gồm dự án phát triển khu đô thị mới (phát triển mới) và dự án tái thiết đô thị trong khu vực đô thị hiện hữu. Ở mỗi quy mô dự án, các yếu tố phát triển đô thị chính có tác dụng định hướng khung TTX đô thị gồm: Mô hình phát triển đô thị, hạ tầng đô thị, giao thông đô thị, nguồn lực đất đai, các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xanh…

*TS Đào Thị Như
Cục Phát triển đô thị – BXD

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2019)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––

Chú giải:

  1.  Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 84/QĐ-TTg về kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2020.
  2.  “fostering economic growth and development while ensuring that natural assets continue to provide the resources and environmental services on which our well-being relies. To do this, it must catalyse investment and innovation which will underpin sustained growth and give rise to new economic opportunities” [OECD, 2011]
  3. Fostering economic growth and development through urban activities that reduce negative environmental externalities and the impact on natural resources and environmental services
  4. Definition of green growth can be proposed: economic growth which contributes to rational utilisation of natural capital, prevents and reduces pollution, and creates chances to improve the overall social welfare by building green economy, and finally makes it possible to enter on the path towards sustainable development. Such a treatment makes it possible to emphasize the integrity of the trio: green growth – green economy –sustainable development.

Tài liệu tham khảo:

  1. Armand Kasztelan, 2017, Greengrowth, green economy and sustainable development: terminological and relational discourse, Economic Papers, 26(4), tr.487-499
  2. China Urban Sustainability Coalition, 2015, ten key principles of low carbon urbanization supporting China’s new type of urbanization, https://www.nrdc.org/sites/default/files/10-key-principles-of-low-carbon-urbanization-1126.pdf
  3. Daniel Bongardt, Manfred Breithaupt and Felix Creutzig, 2010, Beyond the Fossil City: Towards low Carbon Transport and Green Growth, GTZ
  4. Du Huynh, 2015, The misuse of urban planning in Ho Chi Minh city, Habitat international (48), tr.11-19.
  5. Nguyễn Hồng Thục, 2011, Sức ép của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam.
  6. Nguyễn Quang Thuấn và Nguyễn Xuân Trung, 2012, Kinh tế xanh trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới
  7. Phùng Hữu Phú, 2011, Đô thị hóa ở Việt Nam – từ góc nhìn nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
  8. OECD, 2011a, Responding to a call from its member countries, in 2011 the OECD developed a green growth strategy, Towards Green Growth
  9. OECD, 2011b, Cities and Green Growth: A conceptual Framework
  10. UN-HABITAT, Một chiến lược mới về quy hoạch khu vực bền vững: 5 nguyên lý-A new strategy of sustainable neighbourhood planning: Five Principles.
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google