Họp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
Ngày 10/01/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về việc giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng gồm Cục Quản lý Hoạt động xây dựng, Cục Phát triển Đô thị, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Vụ Pháp chế, Vụ KHCN và Môi trường.
Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (tháng 11/2019), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, tập trung vào một số nhóm vấn đề: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; quy hoạch xây dựng; phân loại và phân cấp công trình xây dựng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; trách nhiệm quản lý nhà nước…
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan của Bộ Xây dựng đã phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong đó Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng đề xuất Luật Xây dựng sửa đổi cần bổ sung các quy định về tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng.
Trong 20 năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, trong đó có các định hướng, chiến lược, kế hoạch hành động, chương trình quốc gia… Tuy nhiên, một số mục tiêu, nhiệm vụ chưa thể tổ chức triển khai do thiếu cơ sở pháp lý cần thiết. Một trong số đó là các nội dung nhiệm vụ và mục tiêu về phát triển bền vững như phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường… Đặc biệt, hiện còn thiếu các quy định pháp luật về cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động nêu trên.
Kinh nghiệm quốc tế và các nước trong khu vực cho thấy hàng loạt các hoạt động của xã hội liên quan đến phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đã tạo ra hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Mặc dù phát triển bền vững là các hoạt động mang tính tự nguyện, song một số nước đã quy định bắt buộc công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đối với các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, công trình có quy mô lớn và sử dụng nhiều năng lượng.
Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư trong nước đã nhận thấy được tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng, đã đầu tư một số đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng… Số lượng các công trình, dự án tiết kiệm năng lượng, công trình xanh đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Sản phẩm của các nhà đầu tư này đã được xã hội đón nhận và quan tâm nhiều hơn. Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã chủ động thực hiện các hoạt động đánh giá và cấp chứng nhận Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng… Vì thế, các bộ ngành liên quan cũng cần xem xét.Bộ Xây dựng cũng chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động nói trên vì thiếu hành lang pháp lý.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và MT Quốc hội ghi nhận những ý kiến của Bộ Xây dựng, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng, đồng thời cho biết, Ủy ban sẽ ghi nhận các góp ý của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng để tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Nguyễn Thị Hằng