Cuộc họp nhóm công tác số 5 về dữ liệu và thống kê năng lượng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Chiều ngày 26/11/2019, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công thương tổ chức cuộc họp nhóm công tác số 5 về Dữ liệu và thống kê năng lượng nhằm cập nhật thông tin về xây dựng thông tư của Bộ Công thương quy định hệ thống thông tin năng lượng (VEIS), tiến trình xây dựng Quy hoạch điện 8, kết quả triển khai các khuyến nghị Chính sách của nhóm và chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao VEPG 2019. Tham dự cuộc họp có đại diện của các cơ quan đầu mối thuộc các Bộ, ngành có liên quan đến thông tin năng lượng  và các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam như GIZ, JICA, Đại sứ quán Mỹ.
 
Toàn cảnh cuộc họp nhóm công tác số 5 về dữ liệu và thống kê năng lượng
Theo nhiệm vụ được Bộ công thương giao, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công thương đang dự thảo thông tư quy định hệ thống thông tin năng lượng (VEIS). Mục tiêu của hệ thống thông tin năng lượng là nhằm thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin năng lượng phục vụ cho mục đích quản lý nhà nước về năng lượng và phát triển kinh tế xã hội. Nội dung thông tin năng lượng được công bố hàng năm trên trang điện tử hệ thống thông tin năng lượng tại địa chỉ địa chỉ http://www.erea.gov.vn/veis. Dự kiến dự thảo thông tư sẽ được trình lên lãnh đạo Bộ công thương vào tháng 12/2019 để xem xét và phê duyệt.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng được cung cấp các thông tin về việc xây dựng và công bố Bảng cân bằng năng lượng Việt Nam do Tổng cục thống kê thực hiện. Bảng cân bằng năng lượng là bảng tính toán năng lượng từ sản xuất đến tiêu dùng, cung cấp số liệu hiện trạng năng lượng của quốc gia, các kịch bản cân đối cung cầu năng lượng, các tính toán phát thải CO2 và đưa ra các đánh giá về an ninh năng lượng
Hiện nay quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1264/QĐ-TTg. Mục tiêu lập quy hoạch phát triển điện lực nhằm dự báo nhu cầu tiêu thụ điện thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045; nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn phương án có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước; đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo môi trường chiến lược trong phát triển điện lực; nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành Điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành Điện. Theo quy định, nguyên tắc lập quy hoạch phải đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phát triển lưới điện hiện đại, thông minh và lưới điện liên kết với các quốc gia láng giềng; phát triển thị trường điện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 đã thực hiện mô phỏng 04 kịch bản chính cho năng lượng Việt Nam. Trong đó tiết kiệm năng lượng là một trong những khuyến nghị cần được quan tâm, xem xét vì lợi nhuận thu được từ việc thực hiện tiết kiệm năng lượng vượt xa chi phí đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, vào năm 2030, Việt Nam phải bỏ thêm 7 tỷ USD nếu đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, số tiền lãi thu được sau khi trừ vốn đầu tư gốc sẽ là 3 tỷ USD. Hơn nữa việc áp dụng thành công các công nghệ tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm phát thải CO2 ở mức 83 triệu tấn vào năm 2030 và 237 triệu tấn vào năm 2050, chủ yếu trong các ngành: điện, công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng.
Nguyễn Hằng
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google