Nghiệm thu các dự thảo TCVN liên quan đến đặc tính hiệu quả năng lượng của vật liệu xây dựng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Ngày 18/12/2019, tại Hà Nội, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp nghiệm thu các dự thảo TCVN liên quan đến đặc tính hiệu quả năng lượng của vật liệu xây dựng do nhóm nghiên cứu Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) biên soạn, gồm: TCVN “Các bộ phận và cấu kiện của toà nhà - Nhiệt trở và truyền nhiệt - Phương pháp tính toán”; TCVN “Cầu nhiệt trong công trình xây dựng - Dòng nhiệt và nhiệt độ bề mặt - Tính toán chi tiết”; TCVN “Vật liệu và sản phẩm xây dựng - Các tính chất nhiệt ẩm - Các giá trị thiết kế dạng bảng và quy trình xác định các giá trị nhiệt công bố và thiết kế”; TCVN “Đặc trưng nhiệt của hệ khung vách kính -  Tính toán truyền nhiệt”; TCVN “Đặc trưng nhiệt của tòa nhà - Các hệ số truyền dẫn nhiệt và truyền nhiệt thông gió”. ThS. Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày Báo cáo thuyết minh tóm tắt đề tài trước Hội đồng, ThS. Nguyễn Sơn Lâm - Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài là một trong những nhiệm vụ nằm trong khuôn khổ Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Việc nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn này là đặc biệt cần thiết, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD liên quan đến các phương pháp tính hệ số truyền nhiệt, nhiệt trở cho các hệ tường và vách kính, các tính chất nhiệt ẩm của vật liệu xây dựng, cầu nhiệt trong các kết cấu xây dựng, đồng thời góp phần đồng bộ tiêu chuẩn Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế.
Mục tiêu xây dựng các dự thảo tiêu chuẩn này nhằm góp phần đảm bảo an toàn môi trường, thúc đẩy phát triển các tòa nhà, công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả, từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và tăng cường hội nhập quốc tế.
Theo ThS. Nguyễn Sơn Lâm, TCVN “Các bộ phận và cấu kiện của toà nhà - Nhiệt trở và truyền nhiệt - Phương pháp tính toán” quy định phương pháp tính nhiệt trở và hệ số truyền nhiệt của các bộ phận và cấu kiện của tòa nhà, không bao gồm cửa đi, cửa sổ và các bộ phận khác có lắp kính, hệ khung vách kính, các bộ phận liên quan đến truyền nhiệt xuống nền đất và các bộ phận được thiết kế để không khí lọt qua. Phương pháp tính dựa trên hệ số dẫn nhiệt thiết kế và nhiệt trở thiết kế của các vật liệu và sản phẩm thích hợp đối với sự áp dụng liên quan;
TCVN “Cầu nhiệt trong công trình xây dựng - Dòng nhiệt và nhiệt độ bề mặt - Tính toán chi tiết” quy định các chỉ dẫn kỹ thuật đối với một mô hình hình học của một cầu nhiệt cho việc tính toán bằng phương pháp số các hệ số truyền nhiệt tuyến tính, các hệ số truyền nhiệt điểm và các nhiệt độ bề mặt. Tiêu chuẩn này đặt ra các chỉ dẫn kỹ thuật cho mô hình hình học 3 chiều và 2 chiều của một cầu nhiệt phục vụ việc tính toán: Dòng nhiệt để đánh giá toàn bộ tổn thất nhiệt từ một tòa nhà hoặc một phần tòa nhà và nhiệt độ bề mặt tối thiểu để đánh giá nguy cơ ngưng tụ ẩm bề mặt. Các chỉ dẫn kỹ thuật bao gồm các ranh giới hình học và sự phân chia nhỏ của mô hình, các điều kiện biên về nhiệt và các giá trị nhiệt và các quan hệ được sử dụng.
Đối với TCVN “Vật liệu và sản phẩm xây dựng - Các tính chất nhiệt ẩm - Các giá trị thiết kế dạng bảng và quy trình xác định các giá trị nhiệt công bố và thiết kế”, ThS. Nguyễn Sơn Lâm cho biết, tiêu chuẩn này quy định các phương pháp xác định các giá trị nhiệt công bố và thiết kế cho các vật liệu và sản phẩm xây dựng đồng nhất về nhiệt cùng với quy trình chuyển đổi các giá trị thu được trong tập hợp các điều kiện này sang các giá trị ở một tập hợp các điều kiện khác. Các quy trình này có hiệu lực áp dụng cho nhiệt độ thiết kế trong khoảng -30 đến 60 độ C. Tiêu chuẩn này cho biết các hệ số chuyển đổi đối với nhiệt độ và độ ẩm. Các hệ số chuyển đổi này có hiệu lực áp dụng đối với các nhiệt độ trung gian trong khoảng từ 0 đến 30 độ C.
Tiêu chuẩn TCVN “Đặc trưng nhiệt của hệ khung vách kính -  Tính toán truyền nhiệt” quy định phương pháp tính truyền nhiệt của các hệ vách kính bao gồm kính và (hoặc) các tấm không xuyên sáng được lắp dựng trong hoặc liên kết vào khung. Việc tính toán bao gồm: Các loại cửa kính khách nhau; các khung có hoặc không có các ngắt điện; các loại panen không xuyên sáng khác nhau được ốp phủ kim loại, thủy tinh, ceramic hoặc bất kỳ một loại vật liệu nào khác.
TCVN “Đặc trưng nhiệt của tòa nhà - Các hệ số truyền dẫn nhiệt và truyền nhiệt thông gió” quy định phương pháp và các quy ước tính các hệ số truyền dẫn nhiệt và truyền nhiệt thông gió ổn định của toàn bộ tòa nhà và các phần của toàn nhà, áp dụng cho cả trường hợp mất nhiệt và thu nhiệt. Trong tiêu chuẩn này, không gian sưởi và không gian làm mát được giả định là đồng nhất về nhiệt độ.
Nhằm hoàn thiện Báo cáo thuyết minh và dự thảo các TCVN nêu trên, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét, góp ý giúp nhóm nghiên cứu IBST tiếp thu, chỉnh sửa. Theo Hội đồng, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và biên dịch các tiêu chuẩn ISO đã được nhiều quốc gia công nhận và sử dụng, là hợp lý. Ngoài ra trong quá trình biên soạn, nhóm nghiên cứu đã tham khảo các tiêu chuẩn Việt Nam để định nghĩa các khái niệm, thuật ngữ chuyên ngành nên đảm bảo độ chính xác cao. Các dự thảo tiêu chuẩn đều có cấu trúc hợp lý, bảng biểu rõ ràng, đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần chú trọng Việt hóa hơn nữa trong quá trình biên dịch, rà soát các lỗi đánh máy, sử dụng chính xác các thuật ngữ chuyên ngành.
Kết luận cuộc họp, ThS. Nguyễn Công Thịnh - Chủ tịch Hội đồng đánh giá nhóm nghiên cứu IBST đã hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ theo hợp đồng. Báo cáo thuyết minh có tính logic, ngắn gọn, dễ hiểu; các dự thảo tiêu chuẩn được xây dựng theo đúng thể thức quy định về xây dựng TCVN, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần chú ý tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, chú ý Việt hóa và văn phong trong biên soạn tiêu chuẩn, sớm hoàn thiện các dự thảo, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu các dự thảo TCVN liên quan đến đặc tính hiệu quả năng lượng của vật liệu xây dựng, do nhóm nghiên cứu Viện Khoa học công nghệ xây dựng biên soạn, với kết quả đều đạt loại Khá.
Nguyễn Hằng
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google