Huy động đầu tư và tài chính năng lượng sạch tại Việt Nam

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Chiều ngày 02/12/2019, tại Bộ Công thương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), Ban Quản lý dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (Dự án EECB) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD trao đổi về các cơ hội hợp tác trong chương trình huy động đầu tư và tài chính năng lượng (CEFIM) tại Việt Nam.

 
Chương trình CEFIM là một sáng kiến do OECD khởi xướng do chính phủ Đan Mạch tài trợ từ năm 2019 đến năm 2021 nhằm hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi thúc đẩy phát triển khung chính sách năng lượng sạch, tăng cường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng trong công trình. Việt Nam được OECD xác định là một trong những quốc gia ưu tiên để triển khai chương trình CEFIM vì những nỗ lực thúc đẩy năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng. Chương trình CEFIM  được thiết kế xoay quanh 03 hoạt động chính bao gồm rà soát đầu tư và tài chính năng lượng sạch tại Việt Nam, hoạt động hỗ trợ thực hiện và hoạt động học hỏi cấp vùng.

Chương trình dự kiến sẽ bao gồm các lĩnh vực lập kế hoạch và quản trị, chính sách đầu tư và cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, khung thể chế, và chính sách thị trường tài chính, trong đó chủ đề xuyên suốt là các cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới trong nước về năng lượng tái tạo và các giải pháp hiệu quả năng lượng. Đối với hoạt động  rà soát đầu tư và tài chính năng lượng sạch, chương trình sẽ tập trung đánh giá môi trường chính sách cho đầu tư và tài chính năng lượng sạch trong đó có các khuyến nghị có thể hành động và cân nhắc các tác động và đánh đổi tiềm tàng. Bên cạnh rà soát chính sách, chương trình sẽ thực hiện các hoạt động hỗ trợ thực hiện bao gồm tư vấn về chính sách và đối thoại nhà đầu tư để Việt Nam giải quyết các thách thức chính và tạo ra nền tảng để các nhà đầu tư tham gia. Các hoạt động học hỏi cấp vùng nhằm để chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực và làm nổi bật các ví dụ điển hình để thúc đẩy đầu tư và tài chính năng lượng sạch.

Sau khi trao đổi với đại diện của OECD, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương và Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng đề xuất thành lập tổ công tác gồm đại diện của các bộ ngành liên quan tham gia xây dựng quy chế hoạt động của chương trình một cách hiệu quả; trong đó Bộ Công thương là cơ quan đầu mối. Đại diện Vụ khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng và Dự án EECB chia sẻ thông tin về các hoạt động liên quan của Bộ Xây dựng và Dự án EECB; trong đó có hoạt động xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng Dự án đang hỗ trợ Bộ Xây dựng. Các bên thống nhất sớm tổ chức cuộc họp tiếp theo để thảo luận chi tiết khung thời gian và kế hoạch thực hiện chương trình.
Nguyễn Hằng
 
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google