Đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Bộ Công Thương có giải pháp đồng bộ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tập trung hoàn thiện quy hoạch điện VIII, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo.

Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Nghị quyết nêu rõ, về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế, người lao động nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội; trong đó tập trung một số nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 và là tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, né tránh nhiệm vụ, trách nhiệm, vi phạm quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đầu tư công.

Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cập nhật kịch bản điều hành quý III, cả năm 2020 và chuẩn bị phương án, giải pháp điều hành năm 2021.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Từng bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng để phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia, có công nghệ tiên tiến. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tập trung vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, triển khai quyết liệt nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, hoàn thành trong năm 2020. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; phối hợp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, chủ động, linh hoạt trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh do đại dịch COVID-19, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý; mở rộng tín dụng phù hợp, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách nhà nước.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện EVFTA sau khi Thủ tướng ban hành. Theo dõi sát tình hình, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, tập trung đàm phán trực tuyến, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để khơi thông và thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tập trung triển khai hiệu quả chương trình kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước. Phối hợp với Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Có giải pháp đồng bộ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tập trung hoàn thiện quy hoạch điện VIII, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo.

Nghị quyết nêu rõ, các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng thuộc các ngành, lĩnh vực.

Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công theo kế hoạch các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông… Khẩn trương rà soát nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, bảo đảm phát triển đồng bộ. Phối hợp với Bộ Công an và các địa phương liên quan tập trung xử lý nhanh, khắc phục các điểm đen về mất an toàn giao thông.

Tuấn Kiệt (nangluongsachvietnam.vn)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google