Thị trường công trình xanh tại Việt Nam đã hình thành nhưng còn sơ khởi

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
(PLVN) - Những năm gần đây, yếu tố xanh trong các dự án bất động sản của Việt Nam đã được quan tâm và phát triển nhiều hơn. Với lợi ích thiết thực là hạn chế tác động xấu tới môi trường, các công trình xanh (CTX) đã đem đến điều kiện sống tốt hơn cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc phát triển các CTX ở nước ta vẫn chỉ là những bước sơ khởi.
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu Khai mạc Tuần Lễ Công trình xanh Việt Nam 2020

 

Sáng 9/11 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020. Sự kiện được hỗ trợ bởi Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Tuần lễ Công trình Xanh năm 2020.

10 năm mới có 150 công trình xanh được công nhận

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp phát triển dự án có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng theo hướng cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng.

Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% - 67% với mỗi công trình; chi phí gia tăng khoảng 3% tổng mức đầu tư và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 150 CTX được chứng nhận tại Việt Nam. Đây là con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Liên quan tới vấn đề này, Tiến sỹ Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia cũng khẳng định, xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam cũng đã xuất hiện và ngày càng phát triển ở nước ta. Các kiến trúc sư hiện nay đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế các ngôi nhà ngày càng “xanh” hơn: thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn.

Đặc biệt, Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030... Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh và năng lượng hiệu quả.

Tính đến tháng 4 năm 2020, Việt Nam có gần 150 công trình được công nhận CTX theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LEED, EDGE, LOTUS, Green Mark. Trong các bộ tiêu chí CTX đã được áp dụng ở Việt Nam, có bộ LOTUS là một bộ chứng chỉ được xây dựng cho điều kiện Việt Nam, do Hội đồng công trình xanh Việt Nam phát triển Việt Nam; còn lại là các bộ công cụ quốc tế hoặc của các nước khác. Gần 150 công trình xanh được công nhận trong 10 năm qua là một tín hiệu đáng khích lệ.
Tuy nhiên bà Loan cũng cho rằng, con số này cho thấy thị trường CTX đã hình thành tại Việt Nam và có xu hướng tăng trưởng nhưng tốc độ rất vừa phải, chưa xứng với tiềm năng của ngành Xây dựng cũng như còn thua xa các nước trong khu vực.

Cần đòn bẩy chính sách

Tiến sỹ Phạm Thúy Loan cũng cho biết, theo kết quả của Nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Bộ Xây dựng “Nghiên cứu Hướng dẫn Phát triển CTX ở Việt Nam” do Viện KTQG thực hiện 2018- 2019, mặc dù thị trường CTX VN đã hình thành, các chủ thể chính của thị trường như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận CTX đã xuất hiện nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển CTX ở Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường CTX Việt Nam tăng trưởng chậm chạp.

“Trong khung chính sách CTX của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách đòn bẩy. Đó là lựa chọn bộ chứng chỉ CTX chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách”- bà Loan nhấn mạnh.

Hiện nay, thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ nhà nước. Nhiều công trình chứng nhận LEED tại Việt Nam, phần lớn là các nhà máy của các doanh nghiệp Mỹ hoặc các tập đoàn đa quốc gia là các CTX vì họ xem trách nhiệm môi trường là một loại đạo đức xã hội.  

Bà Loan cho rằng, với tình hình thực tiễn của Việt Nam chỉ cần yêu cầu các công trình công làm LOTUS ở mức đạt. Mức này không quá khó, chi phí phát sinh chỉ chiếm 1% tổng mức đầu tư. Với khu vực đầu tư vốn tư nhân, tất cả các bộ công cụ khác vẫn có thể được áp dụng, được khuyến khích và tạo điều kiện.

Liên quan tới vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên - Công ty  Vilandco cho rằng, Hội Công trình xanh Việt Nam đã xây dựng bộ công cụ lotus đánh giá công trình xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần nâng cấp tiêu chuẩn phù hợp hơn.

Hiện nay, Việt Nam có tiêu chuẩn cho công trình xây dựng là TC 09-2017 nhưng vẫn cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh để phù hợp mục đích, điều kiện tại Việt Nam.

Anh Vũ (https://baophapluat.vn/)
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google