Hội thảo Quản lý và xây dựng hạ tầng đô thị xanh hướng tới phát triển bền vững

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Sáng 25/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức HealthBridge và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Quản lý và xây dựng hạ tầng đô thị xanh hướng tới phát triển bền vững.
 

PGS.TS Mai Thị Liên Hương phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, PGS.TS Mai Thị Liên Hương cho biết: tính đến tháng 10/2022, cả nước có 888 đô thị (trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa ước khoảng 41%. Ðô thị đã và đang khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế và cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước. Tuy nhiên, thách thức của đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường, chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đô thị. Trước thực trạng đó, việc quản lý, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững cần được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Đây là xu hướng phát triển bền vững đô thị của Việt Nam và thế giới.

Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương, khái niệm “hạ tầng xanh” còn tương đối mới trong quản lý đô thị, cả ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Đó là mạng lưới các thành tố xanh được bảo tồn, tăng cường, hoặc được thiết lập nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận xây dựng hạ tầng thân thiện với môi trường, hài hòa cùng thiên nhiên. Các thành phần chính của cách tiếp cận này bao gồm quản lý nước mưa và nước thải thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cải thiện chất lượng không khí, nước sạch, giao thông thông minh, cùng các chức năng hạ tầng xã hội như tăng chất lượng sống thông qua cung cấp không gian xanh cho hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, cung cấp bóng mát và tạo đặc trưng cảnh quan đô thị…

Dưới góc độ quản lý, Chính phủ Việt Nam đã từng bước tiếp cận, quan tâm đến các vấn đề phát triển hạ tầng đô thị xanh, bền vững thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học…,  và các văn bản hướng dẫn, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nhằm triển khai cụ thể các nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững là một nội dung định hướng chiến lược và giao Bộ Xây dựng thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh.
 

Toàn cảnh Hội thảo

PGS.TS Mai Thị Liên Hương cũng cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, bao gồm cấp nước, thoát nước, giao thông đô thị, công viên – cây xanh, công trình ngầm … Bộ Xây dựng mong muốn, thông qua hội thảo này, trao đổi, học tập kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến của các chính quyền đô thị, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nước và nước ngoài để tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam.

Minh Tuấn
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google