Công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Ngày 02 tháng 06 năm 2022 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Lễ ra mắt Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen đồng chủ trì sự kiện. 
Tại buổi lễ, về phía Bộ Công Thương có các đơn vị: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Điều tiết điện lực. Phía các Bộ có liên quan có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải. Về phía Đan Mạch, có đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt nam và Cơ quan năng lượng Đan Mạch. Sự kiện cũng thu hút sự tham gia của hơn 200 đại diện UBND các tỉnh thành, Sở công thương và đơn vị quản lý năng lượng tại địa phương, cùng các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.  
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong ba thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng cao, từ 6-7%/năm. Ngay cả trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái, hay dịch bệnh toàn cầu ảnh hưởng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương ở mức khá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 cho thấy quyết tâm của Việt Nam vào việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kinh, chống biến đổi khí hậu.
Minh chứng cho điều này, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết tính chung cả năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Năm tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,6%. “Những kết quả trên đã chứng tỏ sức dẻo dai của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và con người Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định. 
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp, đưa nền kinh tế về mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Điều này khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Việt Nam vào việc chuyển đổi năng lượng từ các nguồn truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kinh, chống biến đổi khí hậu.
Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch đã ký thoả thuận hợp tác dài hạn về năng lượng. Trên cơ sở đó, Bác cáo Triển vọng năng lượng (EOR) 2017 đã được xây dựng và công bố. EOR 17 cho thấy hệ thống điện Việt Nam có thể vận hành và triển khai các nguồn năng lượng tái tạo với hệ số cao. EOR 19 đã đưa ra các khuyến nghị chính sách trọng tâm, cung cấp thông tin đầu vào quan trọng cho Quy hoạch điện 8, Quy hoạch Tổng thể Năng lượng quốc gia, Chiến lược Biến đổi khí hậu và các Kế hoạch quan trọng khác của Việt Nam. EOR 21 đưa ra các kịch bản khác nhau cho việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam, trong đó bao gồm kịch bản để đạt mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050. 
Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 xem xét các kịch bản để Việt Nam đạt mục tiêu net-zero vào giữa thế kỷ.
“Báo cáo đưa ra các kịch bản triển vọng năng lượng với các số liệu đầu vào và các giả định khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định. 
Thông qua sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Công Thương hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp nhằm xây dựng và hoàn thiện các báo cáo trong tương lai ngày càng hoàn thiện hơn.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Højlund Christensen cho biết Báo cáo là nguồn cung cấp thông tin hữu ích về phát triển hệ thống năng lượng phù hợp với định hướng của Việt Nam về phát triển năng lượng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen cho biết: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đan Mạch rất vui được chia sẻ với Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất có được trong suốt 30 năm qua, để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hoá tiềm năng chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng”.
Ông Kim Højlund Christensen cũng chia sẻ báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung. “Báo cáo là nguồn cung cấp thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu”, Đại sứ Đan Mạch khẳng định. 
Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR 21) được biên soạn với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA). Đây là lần thứ ba công bố báo cáo trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (DEPP) xây dựng. Bên cạnh Báo cáo chính, các báo cáo nền cung cấp các số liệu phân tích chi tiết về các khía cạnh kỹ thuật, triển vọng thị trường cũng được giới thiệu tại sự kiện. 
EOR 21 đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mứuc phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050. Báo cáo đưa ra các góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng đến 2050, cung cấp thông tin cho các hoạt động hoạch địch chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh. 
Đặc biệt, Báo cáo xem xét các kịch bản để Việt Nam đạt mục tiêu net-zero vào giữa thế kỷ, nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, việc điện khí hoá ngành giao thông chuyển đổi nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu điện phân và tăng cường vận tải đường sắt điện khí hoá sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, việc mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, và kiên trì thực hiện các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu qủa sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 
8 phát hiện và khuyến nghị chính của Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021
1. Hoàn toàn khả thi để phát triển một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng không với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách. 
2. Để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, các nguồn năng lượng tái tạo cần là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hoá thạch. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).
3. Quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện cần nhiều vốn, tương đương mức đầu tư 167 tỷ USD/năm vào năm 2050 với kịch bản net-zero, tức là khoảng 11% GDP dự kiến năm 2050. Do đó việc tiếp cận các giải pháp tài chính chi phí thấp là tối cần thiết.
4. Việt Nam cần dừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, tập trung cải tạo các nhà máy đang vận hành để nâng mức độ linh hoạt và tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà máy điện khí và LNG hiện cũng đã đủ cho mục tiêu net-zero, do đó không cần thiết xây mới.
5. Hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ sau 2030 pin năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Trong 10 năm tới, việc cần làm củng cố công suất truyền tải, đặc biệt là để kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu ở miền Bắc. 
6. Điện hạt nhân chỉ hiệu quả về chi phí nếu triển khai điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, bị hạn chế đáng kể. 
7. Cần sớm chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hoá trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm đem lại lợi ích kép: giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc nhập khẩu.
8. Net-zero sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Nếu căn cứ theo kịch bản cơ sở thì năm 2050 Việt Nam có thể phải nhập khẩu tới 70% tổng cung năng lượng, chi phí tương đương 53 tỷ USD.

Giang Nguyễn – Hoàng Loan (tietkiemnangluong.com.vn)
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google