Giải pháp công nghệ bảo đảm công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Sáng 14/10, Bộ Xây dựng tổ chức 04 cuộc hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Tuần lễ công trình xanh 2022 với các chủ đề: Đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng không khí và điều kiện tiện nghi trong công trình; Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường và Giải pháp sử dụng thiết bị và công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng.

Giải pháp công nghệ đóng góp quan trọng

Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Bộ Xây dựng hưởng ứng, cụ thể hóa các cam kết, hoạt động của Chính phủ, Bộ Xây dựng triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, phát triển công trình xanh, phát thải khí nhà kính.

Tại phiên hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề Giải pháp sử dụng thiết bị và công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng, thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết thông tin tổng quan các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững của ngành Xây dựng như: tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng luôn bằng và cao hơn tốc độ tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế trung bình khoảng 9%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40 - 41%, mỗi năm sẽ có 1% tăng thêm của tỷ lệ đô thị hóa; cùng với áp lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội; trong công trình xây dựng đối mặt với áp lực cạn kiệt, ngày càng trở lên khan hiếm nguồn nguyên vật liệu như khan hiếm cát, sỏi; các nhu cầu về sử dụng nước, sử dụng năng lượng trong các công trình gây áp lực lên hệ thống cung cấp năng lượng, tài nguyên cho đất nước.


Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT phát biểu tại Hội thảo.

 

Bộ Xây dựng xác định, giảm phát thải trong các tòa nhà là một trong 03 lĩnh vực mà ngành Xây dựng phải thực hiện. Tòa nhà bao gồm tòa nhà văn phòng, tòa nhà thương mại và tòa nhà dân dụng (nhà ở). Trên thế giới, tổng mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà chiếm tới 40% tổng tiểu thụ toàn xã hội.

Trong các tòa nhà, công trình xây dựng, phần phát thải CO2 cũng đến chủ yếu từ việc sử dụng điện, sử dụng ga, hiện nay chủ yếu là sử dụng điện.

Ông Nguyễn Công Thịnh khẳng định, giải pháp chính giảm phát thải cho các tòa nhà đi từ việc giảm tiêu thụ năng lượng cũng như giảm phát thải carbon hàm chứa trong các nguyên vật liệu.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã bắt đầu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng từ năm 2003. Năm 2005 Bộ Xây dựng đã xây dựng và đề nghị ban hành QCVN 09:2005 phiên bản 1, năm 2013 có phiên bản QCVN 09:2013 lần 2 và năm 2017 có phiên bản QCVN 09:2017 lần 3.

Đối với hoạt động công trình xanh ở Việt Nam, Bộ Xây dựng bắt đầu triển khai từ những năm 2006-2008, qua gần 14 - 15 năm phát triển đến nay mới có 242 công trình xanh với gần 6,2 triệu m² sàn, chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng m² sàn xây dựng trong 01 năm.

Lĩnh vực tòa nhà văn phòng và dân dụng, mỗi năm phát triển trên 1 triệu m² sàn, trong khi trải qua 14 - 15 năm mới phát triển được hơn 6 triệu m² sàn được chứng nhận công trình xanh. Đây là tỷ lệ quá thấp so với các quốc gia như Singapore diện tích nhỏ hơn Việt Nam rất nhiều nhưng đã có tới 4.000 công trình xanh.

Như vậy, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển công trình xanh và với 04 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh, vật liệu xanh: EDGE, LEED, LOTUS và GREENMARK. Việt Nam chấp nhận tất cả các hệ thống đánh giá công trình xanh với các yêu cầu về sử dụng tiết kiệm vật liệu, sử dụng tiết kiệm nước, năng lượng và có những hệ thống tiêu chuẩn cao xem xét đến các yếu tố khác như hài hòa với cảnh quang, sử dụng tiết kiệm đất, bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng…

Các công nghệ, thiết bị sử dụng trong công trình tiêu thụ phần lớn năng lượng cho công trình, trong đó hệ thống điều hòa có thể tiêu thụ đến 50 - 60% tổng số năng lượng tiêu thụ cho cả tòa nhà.

Do đó, ngoài yêu cầu các giải pháp về kiến trúc, vật liệu; các giải pháp về công nghệ cũng có đóng góp rất quan trọng bảo đảm công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Kỳ vọng mô hình ESCO

Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã thuyết trình 06 nội dung chính về xu hướng sử dụng tài nguyên và năng lượng tại các tòa nhà, giải pháp không khí trong nhà cho công trình xanh và khỏe mạnh, áp dụng hệ thống camera giám sát tích hợp AI để đáp ứng nhu cầu an ninh gia tăng, giải pháp cho tòa nhà tương lai, giải pháp tổng thể thiết bị, công nghệ cho tòa nhà Net Zero…

Nội dung các bài thuyết trình hướng tới việc sử dụng các thiết bị, công nghệ trong công trình để bảo đảm sử dụng năng lượng hiệu quả nhất nhưng vẫn bảo đảm tiện nghi cho người sử dụng.


Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB) giới thiệu hơn 10 giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà.

 

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB) giới thiệu hơn 10 giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà như: hệ thống vỏ bọc công trình, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước nóng, hệ thống phát điện từ năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý năng lượng, thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước, vòi nước tiết kiệm nước, thang cuốn, thang máy và các hệ thống khác… Trong đó, diễn giả đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng của vỏ bọc công trình.

Bên cạnh đó, diễn giả cùng so sánh hệ thống đánh giá công trình xanh, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng mô hình ESCO trong công trình cũng như việc áp dụng tiêu chuẩn ISO về quản lý năng lượng. Những nội dung thuyết trình này là một hướng đi phong phú mà các chủ đầu tư, công trình có thể tham khảo.


Các đại biểu tại Hội thảo chuyên đề 3.

 

Liên quan đến mô hình doanh nghiệp ESCO, đại diện của Greenyellow Việt Nam đã có bài trình bày về cơ hội hợp tác phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng trên thế giới, tại Việt Nam với mô hình doanh nghiệp ESCO.

Qua bài trình bày của diễn giả, ông Nguyễn Công Thịnh đánh giá những quỹ tài chính, doanh nghiệp ESCO là những “bà đỡ” cho các dự án, chủ đầu tư muốn cải tạo, thay thế hoặc lắp đặt mới các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Mô hình này ở Việt Nam đã manh nha phát triển nhiều năm tuy nhiên cơ chế, chính sách còn thiếu.

Hi vọng, với những thành công ban đầu của Greenyellow, các dự án thay thế một số thiết bị, đặc biệt là đự án điện mặt trời áp mái ở một số doanh nghiệp là cơ hội để Greenyellow có thể mở rộng đối tượng sang các thiết bị khác như thiết bị chiếu sáng, điều hòa không khí… sẽ phù hợp với nhiều công trình xây dựng ở Việt Nam.

Bởi vì nếu chỉ tập trung vào các nhà máy công nghiệp có diện tích mái lớn để làm tấm pin năng lượng mặt trời sẽ hạn chế khả năng tiếp cận các công trình nằm trong khu vực nội đô có không gian, diện tích nhỏ, tiềm năng thu hồi vốn đầu tư năng lượng mặt trời hạn chế.

Thanh Nga (Tạp chí Xây dựng)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google