Thị trường vật liệu xây dựng đang “xanh hóa"

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(ĐTCK) Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống và nhận thức của người dân càng nâng cao, những sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có vật liệu xây dựng ngày càng được ưa chuộng. Đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng dần hướng đến các dòng sản phẩm xanh.

Thị trường vật liệu xây dựng đang “xanh hóa“

Các loại kính tiết kiệm năng lượng hiện được nhiều công trình sử dụng thay cho kính thông thường. Ảnh: Dũng Minh
 

(ĐTCK) Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống và nhận thức của người dân càng nâng cao, những sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có vật liệu xây dựng ngày càng được ưa chuộng. Đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng dần hướng đến các dòng sản phẩm xanh.

Dù vật liệu xây dựng xanh ngày càng được nhắc đến nhiều trên thị trường, nhưng không phải ai, kể cả các chủ đầu tư cũng đều tường tận về dòng sản phẩm này.

Theo các chuyên gia, vật liệu xây dựng xanh là loại vật liệu không gây độc hại, có thể tái chế sau khi sử dụng, vòng đời sử dụng lâu dài, tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo và không ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, vật liệu xanh đòi hỏi cao ở tiêu chuẩn tiêu tốn ít năng lượng hơn khi sản xuất và tiết kiệm năng lượng khi sử dụng.

Việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh là cách để hướng tới các giải pháp xây dựng bền vững, cũng là tiêu chí quan trọng để tạo nên một công trình xanh có chất lượng. Bởi để đạt được một công trình xanh đúng chuẩn, vật liệu góp phần không nhỏ. Trên thực tế, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam những năm trước gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung về nguyên vật liệu xanh. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nguyên vật liệu xanh không còn khan hiếm như trước bởi nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất được dòng sản phẩm này.

Đơn cử, về sơn phủ, Tập đoàn Sơn KOVA đã chiết xuất thành công nguyên liệu Nano từ vỏ trấu để ứng dụng sản xuất nhiều dòng sơn độc đáo như sơn tự làm sạch, sơn đá nghệ thuật, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy và thậm chí là sơn chống đạn.

Theo đại diện KOVA, sản phẩm Silicate Nano tách ra từ vỏ trấu, được dùng để tổng hợp Colloidal và ứng dụng cho nhiều lĩnh vực. Bằng việc biến tính Colloidal để ứng dụng vào lĩnh vực chất phủ, các sản phẩm Nano chiết xuất từ vỏ trấu có chất lượng tốt, thậm chí còn cao hơn so với từ nhiều vật liệu khác ở độ bóng, độ cứng của màng sơn, khả năng chịu nhiệt, khả năng chống thấm, chống bám bụi, chống rêu mốc.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Sơn Galaxy Việt Nam cho biết, tất cả sản phẩm sơn của Công ty đều đáp ứng tiêu chí sản phẩm xanh. Trong đó, công nghệ và nguyên liệu đầu vào là công nghệ kháng khuẩn Nano, có hàm lượng VOC thấp, không chì, không thủy ngân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty Sơn Galaxy Việt Nam cho biết, việc sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn xanh hiện là xu hướng bắt buộc. Đồng thời, việc này cũng góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Vì sản xuất sản phẩm xanh phải sử dụng công nghệ mới nhất và nguyên liệu đầu vào cũng tốt nhất, nên giá thành cao hơn các sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, do mức sống của khách hàng ngày càng cao, nên sự quan tâm đến các sản phẩm xanh nhằm bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ sức khỏe của chính họ cũng ngày càng tăng”, ông Đỗ Hữu Nhơn, Giám đốc Kinh doanh Hãng sơn Galaxy Việt Nam chia sẻ.

Ngoài việc sử dụng sơn phủ đáp ứng tiêu chí xanh, việc sử dụng kính với tính năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đang được nhiều chủ đầu tư, nhà thầu chú ý.

Là đơn vị tiên phong, chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, phát triển vật liệu công nghệ xanh, Công ty Kính nổi Viglacera đã hợp tác với Tập đoàn Von Ardenne GmbH (Đức) để đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Đông Nam Á, với 2 dòng sản phẩm được ứng dụng rộng rãi bao gồm Low-E và Solar Control.

“Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng sở hữu hệ số phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên công trình xây dựng và ngoài trời qua hệ thống vách kính. Qua đó, tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát hay giữ ấm tùy theo thời tiết từng mùa”, đại diện Công ty kính nổi Viglacera chia sẻ.

Về góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, kính tiết kiệm năng lượng đang trở thành giải pháp thay thế phổ biến cho vật liệu kính thông thường, bởi hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường mà nó có thể mang đến cho những công trình hiện đại là rất rõ rệt.   

Theo Việt Dũng 
Báo Đầu tư Bất động sản

 

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google