Giảm chi phí nhờ giải pháp công nghệ

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
(HNM) - Xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng hay công trình đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng đang là xu thế hiện nay. Đây không chỉ là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá công trình xanh mà còn là giải pháp thiết thực cho bài toán tiết kiệm chi phí của các chủ đầu tư.
 

 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gạch không nung tại Công ty CP Gạch Khang Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Khang Minh

Sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất

Tốc độ đô thị hóa mạnh kéo theo đó là rất nhiều công trình xây dựng mọc lên. Vấn đề tiết kiệm chi phí từ giải pháp công nghệ đã và đang đặt ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nhiều công trình hiện nay có lắp đặt pin mặt trời, kính nhập khẩu, vật liệu cao cấp... mà không tính toán chặt chẽ theo khí hậu đặc trưng của Việt Nam cũng như nhu cầu công năng thực của tòa nhà, chưa biết cách khớp nối để tạo nên sự đồng bộ giữa các thành phần công trình với nhau khiến cho việc sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trở thành phản tác dụng. Điều này làm đội giá thành công trình và gây tiêu hao nhiều năng lượng khi đưa vào sử dụng.

Tìm giải pháp cho vấn đề này là điều được giới nghiên cứu đặt ra và bàn thảo tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ I, do Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa phối hợp tổ chức. Theo ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House), Chính phủ, các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu khoa học đều đã quan tâm đến vấn đề này, hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, Chính phủ đã cho thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) để hỗ trợ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng cho các công trình hiện hữu cũng như xây mới. 

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan công bố tiêu chuẩn quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các vấn đề hạn chế và đi đến chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo.

Công trình xanh là hướng đi tất yếu

Mặc dù đã nhận được sự quan tâm, nhưng việc phổ biến và áp dụng vào thực tiễn để có những công trình xanh, sử dụng giải pháp công nghệ trong xây dựng chưa nhiều. Một trong những thách thức cho việc phát triển công trình này là do nhận thức của người tiêu dùng và nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào những giải pháp đưa ra. Cùng với đó, các ban, ngành chức năng cũng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương xứng với tiêu chí xanh trong điều kiện phát triển thực tiễn tại nước ta hiện nay.

Theo ông Bách, với những sản phẩm mà Capital House đưa ra thị trường đã đem lại nhiều hiệu quả. Hiện Capital House đang triển khai Dự án Văn phòng xanh Capital House theo Tiêu chuẩn LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam. Các dự án cao cấp khác có thể sẽ hướng tới những chuẩn quốc tế như LEED (Mỹ) hay Green Mark (Singapore). 

"Tại đó chúng tôi áp dụng giải pháp giảm tỷ lệ kính/tường. Theo đó, tỷ lệ kính/tường phù hợp sẽ giúp tối đa hóa ánh sáng ban ngày đồng thời giảm thiểu sự truyền nhiệt không mong muốn, dẫn đến giảm tiêu thụ năng lượng. Điều này là do mặt trời là nguồn sáng mạnh nhất nhưng cũng là nguồn cung cấp nhiệt lượng rất lớn cho toàn bộ công trình..." - ông Bách nói. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khoa, Công ty Kính nổi Viglacera cũng cho rằng, theo xu hướng kiến trúc xây dựng hiện đại, các mặt dựng của tòa nhà phải có kính để tạo điểm nhấn mỹ quan nhưng sẽ kéo theo gia tăng nhiệt độ bên trong các tòa nhà. Các chủ đầu tư hiện nay có xu hướng chuyển qua kính tiết kiệm năng lượng nhằm bảo vệ sức khỏe người sử dụng và hiệu quả trong đầu tư.

Ở khía cạnh khác, trong một lần trao đổi với phóng viên, ông Chow Chee Fan, Tổng Giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam chia sẻ, tại Dự án Gamuda phía Nam Hà Nội, với các biệt thự song lập có thiết kế hiện đại, công ty lấy tiêu chí cây xanh, thân thiện với môi trường làm trọng tâm. Còn với chung cư, nhà cao tầng, các căn hộ đều được thiết kế sao cho có hướng sáng toàn diện qua đó góp phần giảm chi phí tiêu hao năng lượng. "Vấn đề ở đây là khi sử dụng, người tiêu dùng sẽ đỡ được gánh nặng chi phí rất nhiều từ việc tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng, sử dụng điều hòa..." - ông Chow Chee Fan nói. 

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CotecCons Group chia sẻ, muốn xanh phải sạch, và sử dụng nguyên liệu không nung. Vật liệu không nung có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là góp phần to lớn trong bảo vệ môi trường. Với lợi ích góp phần tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, vật liệu không nung đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ lâu. 

Theo ông Bách, ưu điểm của gạch không nung so với gạch nung là rất lớn và để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa, các nhà sản xuất gạch không nung trong nước cần kiểm soát chất lượng, đặc biệt là trong quá trình thi công để hạn chế tình trạng nứt...

Rõ ràng, khi đã hiểu những giải pháp công nghệ và giá trị mang lại, chắc chắn người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ thay đổi nhận thức về vấn đề này. Lợi ích to lớn của công trình xanh từ các giải pháp trong công nghệ xây dựng đã và đang được nhận định là một hướng đi tất yếu trong tương lai gần.
 
 
Phương Nhi
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google