Dự án The Met (Bangkok, Thái-lan).
Thời đại “kiến trúc xanh” lên ngôi
Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài lạnh lẽo toàn bê-tông, nhôm kính của Khu dân cư Nam Tứ Mậu Bình (Hongkong - Trung Quốc), Dự án The Met (Bangkok, Thái-lan) hay tòa nhà Green One UN House (Hà Nội, Việt Nam)..., ít ai nghĩ chúng được xếp vào nhóm “công trình xanh” - “kiến trúc xanh”. Bởi lâu nay, trong suy nghĩ của số đông người Việt, yếu tố “xanh” luôn đồng nghĩa với sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, với thiết kế hòa hợp cảnh quan, với đưa tối đa mầu xanh cây lá vào không gian sống... những thứ mà người ta có thể đo đếm, cảm nhận bằng mắt thường.
Nhưng thật ra, KTX là một xu hướng tạo ra không gian sinh hoạt nhiều tiện ích cho con người, theo cách thức ít gây hại nhất tới môi trường nhằm gìn giữ và tăng chất lượng sống cho cả hiện tại và tương lai. Trên thế giới, không ít quốc gia đã biến “công trình xanh” (green building) thành phong trào mang tầm quốc gia, như chương trình Green Building Master Plan đã giúp Singapore phủ xanh đảo quốc, giúp điều hòa khí hậu và đuổi kịp tốc độ phát triển công trình xanh của thế giới một cách ngoạn mục, chỉ trong một thập kỷ ngắn ngủi.
Theo báo cáo Kinh tế xanh của Liên Hợp quốc năm 2011, hoạt động xây dựng là tác nhân chính gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường, khi chiếm tới 1/3 tổng năng lượng sử dụng, thải ra gần 1/4 tổng lượng khí thải CO2 và tiêu thụ tới 12% lượng nước sạch. Ở chiều ngược lại, đây cũng là ngành có tiềm năng lớn nhất trong việc giải thiểu lượng khí thải carbon.
Theo ước tính của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), có thể giảm tới 29% lượng khí CO2 phát thải vào năm 2020 mà không phải tiêu tốn thêm chi phí giảm hại môi trường, nếu có những giải pháp xanh tích cực và hiệu quả. Bởi theo các chuyên gia của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, so với một công trình thương mại thông thường, công trình xanh sẽ sử dụng ít hơn 26% năng lượng, giảm 33% lượng phát thải nhà kính và tiêu tốn ít hơn 13% chi phí bảo trì.
Xanh - xu thế của kiến trúc Việt Nam hiện đại
Trong bối cảnh những vấn đề về môi trường đang trở thành tâm điểm rất nóng, xu hướng “xanh hóa” kiến trúc thế giới được nhiều quốc gia hưởng ứng, như một giải pháp hữu hiệu giúp giảm bớt phần nào áp lực đè nặng lên thiên nhiên của con người. Thế giới đã đề cập tới “xây dựng xanh” cách đây gần bốn thập kỷ, nhưng phải tới những năm đầu của thế kỷ XXI, khái niệm này mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Kết quả ban đầu rất khả quan, khi hàng loạt công trình được đóng con dấu chất lượng Xanh đã xuất hiện, như President Palace, Centre Point, Trường mẫu giáo Pouchen - Đồng Nai, Trung tâm thương mại Big C - Dĩ An, Tòa tháp Landmark 81, chung cư Nam Long EHome 5 - TP Hồ Chí Minh, Nhà cộng đồng homestay làng dân tộc Nậm Đăm - Quản Bạ, Hà Giang...
Cơ quan quản lý cũng đã có những động thái tích cực, khi đã sớm ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng từ cuối năm 2012. Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2005 và QCVN 09- 2013) cũng đã được xây dựng, chỉ tiếc là hiện chưa được nhiều công trình tuân thủ. Ở tầm quốc gia, “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến 2020, tầm nhìn 2030” đã được phê duyệt mới đây, ngày 11-5-2017. “Tới năm 2030 sẽ có 50% độ thị lớn và vừa đạt tiêu chuẩn đô thị xanh” và “mỗi năm sẽ giảm phát thải nhà kính từ 1,5 - 2%” là những nội dung đáng lưu ý của kế hoạch vĩ mô này. Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cũng xây dựng “Chương trình phát triển Công trình xanh và bền vững”, nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển công trình KTX trên phạm vi toàn quốc, hướng tới góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho một thị trường BĐS xanh của Việt Nam.
Trường mẫu giáo Pouchen (Đồng Nai).
Xanh - khởi đầu từ thay đổi nhận thức cộng đồng
Về môi trường, KTX thúc đẩy và bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng không khí và nước, giảm chất thải rắn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Về kinh tế, KTX giảm chi phí trong quá trình sử dụng công trình, khả năng thu hồi số tiền đầu tư nhanh hơn, giá thành tài sản tăng lên do lựa chọn khách hàng thường nghiêng về công trình xanh. Về xã hội, KTX tạo môi trường thân thiện cho người sử dụng, tăng chất lượng không khí, tối ưu hóa mọi công năng trong công trình, giảm các bệnh liên quan đến hô hấp, dị ứng...
Tại Triển lãm BEX Asia mà tôi vừa tham dự tại Singapore, rất nhiều những giải pháp công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng mới nhất đã được giới thiệu rộng rãi, kỳ vọng mang lại những thay đổi lớn trong lộ trình “Xanh hóa châu Á”. Trong trào lưu ấy, những sản phẩm không thân thiện với môi trường sẽ dần dần mất đi chỗ đứng và buộc các đơn vị kiến trúc - xây dựng phải thay đổi bằng cách ứng dụng sản phẩm xanh.
Với những lợi ích nhãn tiền như thế, cộng đồng, chủ sở hữu công trình, các đơn vị kiến trúc - xây dựng ngày càng nhận thấy việc phát triển KTX là xu hướng bắt buộc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Một tín hiệu rất vui, khi nhiều dự án nhà ở tư nhân cũng đã bắt đầu đặt “xanh” như một đề bài bắt buộc cho kiến trúc sư (KTS) thiết kế và nhà thầu xây dựng.
Tuy vậy, những rào cản trong nhận thức vẫn còn tồn tại. Giới chủ đầu tư vẫn ngần ngại, khi nhìn nhận giải pháp KTX sẽ đội chi phí công trình lên cao, thậm chí tới hơn 30%. Dù trong thực tế, như thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, khoản chi phí đội lên này chỉ dưới 5%. Còn người sử dụng nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung cũng thường nhầm tưởng, KTX sử dụng những giải pháp tốn kém (pin năng lượng mặt trời, trồng cây xanh trên mái, sử dụng thiết bị thông minh...) trong khi thực ra đó thường là những giải pháp thiết kế thụ động (thông gió, ánh sáng tự nhiên, cách nhiệt cho tường và mái, dùng loại kính phù hợp...). Không hiểu rõ những lợi ích lâu dài, bền vững của KTX mang lại, hoảng hốt khi nghĩ tới con số kinh phí phụ trội khiến số đông coi “xanh” như một công cụ marketing sang trọng chứ ít nhìn nhận giá trị thực tế mà nó mang lại.
KTS Lê Việt Hà
Vì thế, từ góc độ một KTS - nhà báo, tôi cùng Ashui.com đang xây dựng một chương trình truyền thông hướng tới thay đổi nhận thức cộng đồng mang tên “Xanh là chất lượng” (GreenisQuality.com); hạng mục “Xây dựng Xanh của năm” được bổ sung vào cơ cấu giải thưởng Ashui Awards; chủ đề phim “Kiến trúc và Phát triển bền vững” cho hoạt động năm nay của Câu lạc bộ Điện ảnh Kiến trúc...
Bởi tôi hiểu rất rõ, để thực hiện cuộc “Cách mạng xanh” đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả năm nhóm đối tượng: các nhà làm chính sách để ban hành cơ chế khuyến khích, đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn; các công ty cung cấp trang thiết bị, vật liệu, nhà thầu để có sản phẩm ứng dụng; các công ty tư vấn thiết kế; các nhà đầu tư, phát triển BĐS tiên phong; và quan trọng nhất - cộng đồng xã hội được nâng cao nhận thức về lợi ích của Công trình Xanh.
Khi tất cả đã hiểu rõ “Xanh là chất lượng” thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ được sống trong Công trình Xanh - Đô thị Xanh, để từ đó có Cuộc sống Xanh đúng nghĩa.