Kinh tế tuần hoàn với công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Kinh tế tuần hoàn[1] là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Các hệ thống tuần hoàn áp dụng quy trình: tái sử dụng thông qua chia sẻ; sửa chữa, cải tạo; tái sản xuất và tái chế nhằm tạo ra các vòng lặp kín[2] cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.
Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên này. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất và tiêu dùng đều được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên. Cách tiếp cận này tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính[3] đang được phổ biến rộng rãi. Trong mô hình kinh tế tuyến tính, các tài nguyên chỉ di chuyển theo một chiều, từ khai thác tài nguyên, sản xuất, đến vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ. So với kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoàn giúp giảm số lượng tài nguyên cần sử dụng và số lượng phế thải tạo ra, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và làm giảm các tác động ô nhiễm đến môi trường.

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tiếp cận chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn mang lại những lợi ích trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính toán của EU cho thấy, kinh tế tuần hoàn thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động xuất phát từ nhu cầu của xã hội có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp.

Tại Việt Nam, khái niệm liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn đã có từ cách đây nhiều năm với những định danh khác. Đó là các khái niệm về khu công nghiệp sinh thái, sản xuất sạch hơn, không phát thải, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất (một phần của kinh tế tuần hoàn); vật liệu xanh, vật liệu sinh thái; khu đô thị sinh thái, đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, v.v… cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua.

Các khía cạnh của kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện qua các chính sách của Đảng và nhà nước liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực xây dựng, hàng loạt các chính sách có liên quan đã được Chính phủ đặt ra cho ngành xây dựng trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là các chính sách về sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong sản xuất vật liệu xây dựng; tái chế, tái sử dụng phế thái công nghiệp và xây dựng làm vật liệu xây dựng; sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung; phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái; phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng, v.v…

Trong quá trình đô thị hóa, hoạt động xây dựng và vận hành nhà ở và các công trình dân dụng khác đã: sử dụng một lượng lớn tài nguyên, năng lượng cũng như phát thải ra môi trường một lượng lớn các chất thải khác nhau; quá trình vận hành nhà ở và công trình dân dụng đã sử dụng nhiều năng lượng, phát thải ra môi trường các chất thải rắn, nước thải, khí thải trong suốt vòng đời của công trình; phá dỡ các công trình xây dựng không còn đảm bảo chất lượng, công năng cũng như cải tạo, sửa chữa nhà cửa cũng tạo ra nhiều chất thải, đặc biệt là chất thải xây dựng.

Phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hoạt động phát triển các loại công trình này góp phần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Điều đó đạt được nhờ hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng, bao gồm: sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước; sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng và tài nguyên khác, trong đó có sử dụng vật liệu bền vững, vật liệu được chế tạo từ phế thải công nghiệp và xây dựng; giảm thiểu tác động ô nhiễm đến môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành nhà cửa, v.v…

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, từ thực tiễn hiện nay của Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xây dựng thông qua hoạt động phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng cần có sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ và chính quyền các địa phương, vượt qua các rào cản hiện nay:
Một là: Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và huy động các nguồn lực của xã hội tham gia vào quá trình đầu tư công nghệ sản xuất vật liệu xanh, phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng. Đây là rào cản lớn nhất cần phải vượt qua trong bối cảnh Việt Nam chưa có bất cứ chính sách ưu đãi, khuyến khích nào trong lĩnh vực này.

Hai là: Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và hiệu quả trong sản xuất vật liệu xây dựng xanh, trong đó có các công nghệ tái chế các phế thải công nghiệp và xây dựng thành sản phẩm vật liệu xây dựng; Nghiên cứu, áp dụng các thiết bị công nghệ hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, trong đó có hệ thống quản lý vận hành tòa nhà thông minh, v.v…

Ba là:  Nâng cao năng lực tư vấn thiết kế và xây dựng Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng; Phát triển hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất và áp dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng, về thiết kế, xây dựng và vận hành Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng;
Bốn là: Nhà nước cần phải giữ vai trò dẫn dắt và quản lý trong quá trình phát triển, đặc biệt là xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch hành động về sản xuất vật liệu xanh, về phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ đã được nêu trong các chiến lược, đề án, chương trình và kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượg tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu;

Năm là:  Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế về kinh nghiệm và nguồn lực trong đổi mới và áp dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng xanh, phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về sản xuất vật liệu xanh, phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng.

Nguyễn Thị Hằng

 
 

[1] Circular Economy (CE)
[2] Close - Loops
[3] Linear Economy (LE)
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google