Bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên trong Cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài cuối: Hướng tới phát triển kinh tế xanh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Phát triển kinh tế xanh là sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng sạch; phát triển các công nghệ ít phát thải, các sản phẩm thân thiện với môi trường và nguồn nguyên liệu mới thay thế cho tài nguyên đang cạn kiệt; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường. Hiện tại, Việt Nam đã và đang triển khai một số mô hình bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên hướng tới phát triển kinh tế xong trong Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường tại xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, đổi mới công nghệ trong xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 là tối ưu hóa nhằm giảm thiểu chi phí, lưu kho, thời gian chuyền hỏng, giảm chất thải, sai lỗi; tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, theo dõi các thành phần máy móc suốt vòng đời, dịch vụ nhanh chóng dễ dàng, loại trừ những điểm nghẽn trong sản xuất. Đổi mới công nghệ trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường… Đưa công nghệ kết nối vạn vật, tự động hóa vào sản xuất là một giải pháp hữu hiệu.

Việc lắp đặt hệ thống cảm biến đo thông số môi trường cho phép theo dõi thường xuyên về nhiệt độ nước, oxy hòa tan, độ kiềm… Giám sát chất lượng nước làm giảm 40 - 50% lượng cá hao hụt, giảm chi phí nhân công. Hệ thống điều khiển thông minh cho vườn cây giúp giám sát nhiệt độ và độ ẩm không khí, thông tin về độ ẩm đất được theo dõi và ghi nhận, giảm chi phí nhân công, tăng năng suất và giảm lượng nước tiêu thụ.

Bên cạnh đó, giải pháp phát triển các công nghệ sản xuất hiệu quả, ít phát thải; các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy; tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới thay thế cho tài nguyên đang cạn kiệt. Việc sản xuất túi nhựa dễ phân hủy sinh học từ các thành phần hữu cơ đã giúp bảo vệ môi trường, giải quyết được bài toán túi nhựa khó phân hủy và những hệ lụy gây ra từ rác nhựa.

Sử dụng công nghệ nano có tác dụng như một đòn bẩy làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên như các sản phẩm được làm từ nguyên vật liệu và thiết bị có kích cỡ nano trong ngành điện công nghiệp và xử lý nước thải. Sản phẩm từ phân tử DNA có thể tạo ra những mô hình kích thước nano trên con chíp silicon và bề mặt khác, giúp tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng ít nước và dung môi hơn so với kỹ thuật in thạch bản thường sử dụng trong công nghiệp điện tử kỹ thuật cao.

Công nghệ nano tạo ra tế bào năng lượng mặt trời không tốn kém cũng như cải tiến hiệu suất, giảm giá thành của tế bào nhiên liệu được xem là nguồn năng lượng cho xe hơi, xe tải trong tương lai. Công nghệ nano tạo ra các công cụ có khả năng loại bỏ vật liệu độc hại, làm sạch các địa điểm có chất thải độc hại và xử lý nước thải. Công nghệ nano tạo ra những sản phẩm và quy trình xanh ngay từ đầu, cho phép thay thế những hóa chất, vật liệu và quy trình sản xuất truyền thống gây ô nhiễm môi trường bằng những hóa chất, vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường hơn.

Công ty gốm sứ Minh Long sử dụng công nghệ nano để tạo ra các sản phẩm gốm có độ phẳng mịn cao, mức độ bám dính cực thấp, có thể dùng khăn để lau sạch và không cần đến nước rửa chén để tẩy rửa sau khi sử dụng theo các cách thức truyền thống, dẫn đến giảm bớt lượng nước thải phát sinh. Công ty Samsung đang áp dụng công nghệ silver nano cho các sản phẩm điện tử, điện lạnh như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… Công ty Trung Nguyên mới đưa sản phẩm cà phê viên nén đầu tiên và duy nhất trên thế giới hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Chú thích ảnh
Lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Thế giới đang thay thế dần các loại vật liệu truyền thống độc hại. Vôi được loài người sử dụng trên 5.000 năm đã được thay thế bằng sơn. Các loại sơn nhựa độc hại giờ được thay thế bằng sơn sinh thái không độc, tiết kiệm năng lượng, an toàn phòng cháy chữa cháy. Công nghệ ít phát thải đạt chuẩn châu Âu của các hãng ô tô. Công nghệ lò cao liên tục, tự động khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm thay cho công nghệ lò điện hồ quang - đúc liên tục gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Graphene là vật liệu mới, sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về vật liệu trong tương lai, bền hơn kết cấu thép 200 lần, độ dẻo uốn tăng lên 20% mà vẫn không hư hỏng, truyền dẫn hơn đồng 1.000 lần, vật liệu dẫn nhiệt nhanh nhất đã được khoa học đã chứng minh.

Ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường như các công nghệ giám sát môi trường với hỗ trợ bởi internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về tình hình ô nhiễm, sự cố môi trường và các thảm họa thiên nhiên. Hệ thống quan trắc thời tiết tự động phục vụ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và chữa cháy rừng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ứng dụng.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, việc xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường là quan trọng, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn thải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường; kết nối, kết hợp số liệu quan trắc nguồn thải với quan trắc chất lượng môi trường; tăng cường đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, tư liệu môi trường theo kịp xu hướng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đến 2030, định hướng đến 2050. Mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến 2025, định hướng đến 2030.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google