Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm: Khó có đột phá

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Theo các chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2021 sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, do kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là phân khúc sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân.
 

Sức mua giảm, nhà đầu tư thận trọng

Nếu quý 1/2021 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường bất động sản (BĐS) thì giữa quý 2/2021, làn sóng Covid-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, khiến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng gặp nhiều thách thức và khó khăn.
 

Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm: Khó có đột phá
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2021, thị trường BĐS nhà ở sẽ là phân khúc sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân

Mặt khác, nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô và các tác động xã hội, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Dù mong muốn hướng đến “mục tiêu kép” là kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, song thực tế cho thấy Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề khó khăn.

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam - nhận định, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường BĐS thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư BĐS.

Trong hơn gần một tháng gần đây, giao dịch và nhu cầu đã giảm, thị trường BĐS trầm lắng hơn, nhiều sự kiện bán hàng bị dời lịch, các hoạt động quảng bá cho dự án mới cũng thưa thớt, không còn sôi động. Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường BĐS phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP. Hồ Chí Minh (phân khúc trung cao cấp, cao cấp) và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó, nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.

Theo ông Mai Đức Toàn - Giám đốc Khối Kinh doanh và tiếp thị, Tập đoàn CNT Group - thị trường BĐS sẽ chịu phụ thuộc trực tiếp theo tình hình diễn biến của dịch. Trong 3 đợt dịch Covid trước đó, giá BĐS vẫn tăng lên ở nhiều phân khúc, thậm chí hình thành một cơn sốt đất trên diện rộng ngay đầu năm nay, do đó BĐS vẫn đang trong chu kỳ khó đoán định.

Thị trường bất động sản sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá

Dự báo về thị trường trong những tháng còn lại của năm 2021, TS. Sử Ngọc Khương nhận đinh, thị trường BĐS sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động.
 

Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm: Khó có đột phá
Dự báo thị trường BĐS công nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2021, vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá BĐS liên tục tăng. Tuy nhiên, bộ phận này vẫn không thể đại diện cho toàn bộ thị trường BĐS nhà ở, căn hộ trong nước.

Dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường BĐS trong nước. Các chuyên gia đều cho rằng, trong kịch bản thị trường hồi phục, phân khúc BĐS nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây, do người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Về dự báo phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong 6 tháng cuối năm, do ảnh hưởng kéo dài từ 3 đợt dịch trước đến nay khiến phân khúc này vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề, cho dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có được kiểm soát hiệu quả.

Còn về BĐS cao ốc văn phòng, đây là phân khúc nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong nhiều năm nay. Khi thị trường hồi phục, với nguồn cung hạn chế về phân khúc hạng A, hạng B tại các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, thị trường hiện nay không có nhiều tòa nhà sẵn sàng để bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Riêng về thị trường BĐS công nghiệp, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Việt Nam vẫn hiện hữu, song theo giới chuyên gia, thị trường vẫn sẽ gặp hạn chế về vấn đề đi lại, giới hạn các chuyến bay, khiến cho việc đầu tư vào BĐS công nghiệp Việt Nam có những hạn chế nhất định, không như kỳ vọng của thị trường.

“Trước đây, chúng ta kỳ vọng rằng BĐS công nghiệp là điểm nóng của thị trường, với điều kiện kinh tế bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, sự bùng phát trở lại của covid-19 tại Việt Nam cũng như các vấn đề thông quan đã trở thành một trở ngại khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi muốn đầu tư vào BĐS công nghiệp Việt Nam. Mặt khác, sự phát triển của phân khúc này còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, cũng như tốc độ giải ngân của các nhóm chính sách công, đây chính là yếu tố then chốt giúp BĐS công nghiệp Việt Nam đạt được thuận lợi, giúp các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào khu công nghiệp” - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - nhận định.

Minh Khuê (Báo Công thương)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google