Tiếp nối chuỗi hoạt động trong Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022, sáng ngày 14/10/2022, hội thảo chuyên đề “ “Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” đã diễn ra, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, đại biểu khách mời.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết: Vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, hình thành cơ sở kết cấu hạ tầng, nhà ở đô thị - nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Năm 2021, các sản phẩm VLXD chủ yếu của Việt Nam được sản xuất và tiêu thụ khá ổn định mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid - 19. Sản lượng xi măng xấp xỉ 106 triệu tấn; 400 triệu m2 gạch ốp lát; 15 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 200 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 8 tỷ viên gạch không nung quy tiêu chuẩn...trong đó, sản lượng xi măng và gạch ốp lát đứng top 5 thế giới. Tổng giá trị doanh thu ngành VLXD chiếm khoảng 6,5% GDP.
Bên cạnh các mặt tích cực đạt được về kinh tế xã hội, phát triển VLXD cũng đi kèm với các tác động tiêu cực đến môi trường, do sản xuất VLXD phải sử dụng nguyên liệu khai thác từ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời quá trình sản xuất VLXD thường phát thải lượng khí nhà kính lớn.
Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó nêu rõ quan điểm về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt trong sản xuất các loại VLXD và kết hợp sản xuất VLXD để xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời, ngành VLXD Việt Nam cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm VLXD tính năng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chiến lược đã đặt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng sản xuất các sản phẩm VLXD chủ yếu xuống dưới ngưỡng quy định cụ thể; đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm gạch không nung kích thước lớn, cấu kiện, tấm tường, vật liệu nhẹ nhằm giảm thời gian thi công và tiết kiệm năng lượng cho toà nhà sử dụng.
TS. Lê Trung Thành nhấn mạnh: trong bối cảnh cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu như hiện nay, để thực hiện thành công các nhiệm vụ mục tiêu đề ra của Chính phủ, của ngành Xây dựng (thể hiện tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1677/QĐ-BXD ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả); đặc biệt, để góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 - phấn đấu đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050, phát triển VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng là xu thế tất yếu.
Về nhãn mác xanh cho các công trình, TS. Lê Trung Thành nhận định: hiện nay, trên thế giới có khoảng 500 nhãn xanh tại khoảng 200 quốc gia và bao trùm 25 ngành công nghiệp trong đó có VLXD. Tại Việt Nam đã có Chương trình nhãn môi trường xanh Việt Nam (thực hiện Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đổi thành Nhãn sinh thái Việt Nam). Trong đó, nhóm sản phẩm VLXD đã có 2 bộ tiêu chuẩn: Sản phẩm sơn phủ dùng cho xây dựng – NXVN 11:2014 và Vật liệu ốp lát gốm sứ xây dựng – NXVN 05:2014. Viện Vật liệu Xây dựng cũng đã hoàn thành xây dựng 02 bộ tiêu chuẩn VLXD xanh cho sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh. Tiếp theo, tháng 9/2022, Viện đã ban hành và công bố Thủ tục chứng nhận, Bộ tiêu chí đánh giá và Dán nhãn sản phẩm VLXD xanh, nhãn năng lượng cho các sản phẩm VLXD nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện khẳng định mức độ xanh, tiết kiệm năng lượng của sản phẩm và thể hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Trong hội thảo, các bài thuyết trình về giải pháp kiểm soát phát thải các hợp chất hữu cơ bay hơi từ các sản phẩm vật liệu xây dựng (của Đại học Xây dựng Hà Nội); công nghệ sản xuất vật liệu thay thế cát & xi măng để sản phẩm hiệu suất cao hơn và bền vững hơn (đại diện Sika Vietnam); vữa tô gốc thạch cao (đại diện Saint-Gobain Việt Nam); sơn công nghệ xanh, sơn sinh thái -xu hướng lựa chọn cho công trình, tạo không gian sống xanh sạch (Công ty Cổ phần hóa dầu công nghệ cao Hi-pec)... đã được các đại biểu lắng nghe và cùng thảo luận sôi nổi.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, thành công của hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” trong Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2022 là đã tạo một diễn đàn quan trọng để đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng cho ngành xây dựng Việt Nam.
Minh Tuấn
30 - 09 - 2022
07 - 07 - 2022